San, chuyển tôm đúng kỹ thuật sẽ hạn chế tôm sốc, hạn chế ảnh hưởng đến sức khoẻ, quá trình phát triển, tỷ lệ sống tôm ở môi trường mới. Nếu kỹ thuật san, chuyển tôm không đúng thì tôm dễ bị sốc.
Dấu hiệu của tôm bị sốc môi trường:
- Tôm bơi lờ đờ trên mặt nước khi mới san, chuyển sang môi trường mới
- Tôm bơi dọc theo bờ ao, xuất hiện thường xuyên trên mặt nước nhiều giờ trong ngày.
- Tôm bơi lờ đờ, vô hướng.
- Vỏ thô, ráp, thân tôm chuyển đỏ, sậm màu hoặc chuyển sang trắng nhợt nhạt. Mang trắng nhợt hoặc chuyển đen, các lược mang bẩn. Đuôi tôm túm, tưa rách, râu gãy hoặc cụt, phụ bộ khác tương tự.
- Tôm khó lột vỏ hoặc lột dính vỏ.
- Gan tôm mờ hoặc chuyển màu vàng nhạt, xanh đen.
- Tôm bỏ ăn hoặc ăn yếu, ruột chứa ít thức ăn hoặc trống ruột.
- Thời gian canh vó kéo dài, thức ăn trong vó dư nhiều, xuất hiện tôm chết trong vó, số lượng tôm chết tăng dần.
Trước khi san, chuyển tôm, cần kiểm tra sức khoẻ tôm, môi trường nước, nhằm đảm bảo thời điểm san, chuyển tôm trong điều kiện tốt nhất. Theo dõi, quan sát sau khi san, chuyển tôm sang môi trường mới. Hỗ trợ các chất bổ sung vào môi trường, trộn dinh dưỡng bổ sung vào thức ăn, chủ động tăng cường sức khoẻ cho tôm.
Dưới đây là những lưu ý mà người nuôi tôm cần quan tâm, thực hiện đầy đủ trong các bước kỹ thuật trước, trong, sau khi san, chuyển tôm.
Chuẩn bị sang tôm
Khi chuẩn bị san, chuyển tôm, bà con cần lưu ý sức khoẻ tôm và kiểm tra kỹ các yếu tố môi trường. Chọn thời điểm tôm khoẻ, ăn mạnh, gan màu nâu hoặc nâu đen, ruột đen đậm, ruột to, chứa đầy thức ăn. Tôm khoẻ, khi nhấc vó lấp xấp mặt nước, tôm búng nhảy mạnh.
Chọn thời tiết khô ráo, môi trường hồ ương thuận lợi, hàm lượng khí độc như NO2, NH3, H2S ở mức thấp. Các thông số pH, nhiệt độ, oxy, trong phạm vi thích hợp. Ao dự kiến chuyến tôm sang, cần điều chỉnh các thông số môi trường tương xứng với hồ ương cũ. Chọn thời điểm tôm cứng vỏ, nên san vào sáng sớm hoặc chiều mát.
Chỉ sang tôm khi tôm khỏe, búng nhảy mạnh. Ảnh: Tepbac
Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ san, chuyển tôm, như lưới, lú, nò bắt tôm, thau, xô, vợt lưới các loại, phương tiện vận chuyển... Cân nhắc sử dụng thiết kế hệ thống cống san chuyển tôm, bằng ống nhựa ɸ ≥ 168 mm, nối từ hồ ương sang ao nuôi hoặc ao tôm lứa.
Công việc cụ thể cần chuẩn bị trước, trong và sau khi san tôm gồm cắt mồi cử cho ăn sau cùng gần thời điểm san, hoặc để tôm nhịn đói trước khi san.
Trong khi san tôm
Rút 20 – 30 % nước hồ ương, cấp nước mới, nhồi nước vậy 2 – 3 lần.
Dùng lưới mắt nhỏ kéo tôm, hoặc đặt lú bát quái, nò, san tôm. Mỗi mẻ lưới kéo ít tôm, kéo từng đoạn ngắn, không kéo rộng, tránh tôm vô lưới nhiều, dễ bị ngộp. Tránh đặt lú bát quái, nò thời gian quá lâu, tránh tôm vô nhiều, dễ bị ngộp.
Mỗi mẻ nên kéo ít tôm để tránh bị ngộp. Ảnh: Tepbac
Mỗi mẻ tôm thả sang ao mới nên đánh khoáng, Yucca, chống sốc, Premix, vitamin C, ngay vị trí thả tôm, sau quạt nước, cho các chất trên phân bố đều trong ao, nhằm ổn định môi trường, hạn chế sốc cho tôm.
Sau khi san tôm
Khi tôm sang ao mới, theo dõi tôm trong những ngày đầu, bổ sung liên tục vào môi trường mới gồm khoáng, Premix, vitamin C, Beta glucan…Tăng cường quạt nước, chạy oxy đáy, đánh vi sinh ổn định nước, môi trường.
Chú ý tăng cường oxy, theo dõi kỹ tôm sau khi sang ao mới. Ảnh: Tepbac.
Ngày đầu tiên, khi tôm mới qua môi trường mới, hạn chế cho tôm ăn. Ngày thứ hai, có thể cho tôm ăn lượng 30 – 50 % so ban đầu, sau đó điều chỉnh lượng ăn tăng từ từ. Khi tôm đã thích nghi môi trường mới, hoạt động bình thường, lượng ăn hàng ngày điều chỉnh theo nhu cầu thực tế của tôm trong ao. Thường xuyên bổ sung các enzyme hỗ trợ tiêu hoá, vi sinh đường ruột, chất hỗ trợ gan, vitamin…để tăng cường đề kháng cho tôm.