Trước khi nuôi
Nước nguồn được vận chuyển phải thông qua lưới lọc vào ao lắng nhằm hạn chế rác và ngăn sự xâm nhập của các sinh vật tự nhiên. Quá trình lắng mất từ 3 – 5 ngày (lắng càng lâu hiệu quả càng cao), trong khoảng thời gian này các chất hữu cơ có đủ thời gian để phân hủy muối dinh dưỡng (ngăn tảo phát triển) và giảm bớt mật độ vi khuẩn gây bệnh.
Nếu cần thiết có thể chạy quạt nước, cung cấp ôxy hòa tan để thúc đẩy quá trình phân hủy của các vật chất hữu cơ. Khi bơm nước qua ao nuôi nên sử dụng túi lọc bằng cotton hoặc vải kate để loại bỏ các địch hại, vật chủ trung gian lây bệnh,… Bà con nên chọn những ngày không mưa để lấy nước vào ao lắng nhằm đảm bảo độ mặn từ 1,5 – 2%.
Cần chạy quạt liên tục trong khoảng 3 ngày đầu để giáp xác và trứng cá nở hết, tiếp đến cho rễ cây thuốc lá, saponin (một hoạt chất có nhiều trong bã hạt trà, được dùng để diệt cá tạp trong ao nuôi tôm và chỉ gây độc đối với cá nhưng không gây ảnh hưởng nhiều đối với các loài giáp xác) hay một số hóa chất nhưng với liểu lượng vừa phải.
Sau khi diệt tạp khoảng 2 ngày, tiến hành diệt khuẩn nhằm loại bớt mầm bệnh trong ao, có thể sử dụng các chất diệt khuẩn như TCCA, BKC, lodine, thuốc tím,..Chlorine (pH < 7,5) được nhiều người nuôi sử dụng phổ biến nhất hiện nay, có thể xử lý khoảng 25 – 30 ppm, có thể tăng giảm liều lượng tùy thuộc vào hàm lượng chất hữu cơ và độ pH của nước. Ở các vùng nuôi xuất hiện bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) nên sử dụng BKC (0,3ppm).
Trong quá trình nuôi
Độ trong, độ đục cũng là một trong những yếu tố không kém phần quan trọng cần kiểm soát trong ao nuôi thủy sản. Nếu nhận thấy độ đục trong nước cao, cần tiến hành thay nước và lựa chọn thời điểm thay thích hợp, nên cấp nước vào thời điểm nước sông đang lên cao, tránh thời điểm lũ đang về. Ngoài ra, bà con có thể sử dụng muối vô cơ (nhôm sunfat,..) để xử lý chất lơ lửng trong ao, tạo chất lắng, tụ.
Nếu độ đục thấp, cần kiểm tra lại độ pH, trường hợp pH thấp cần bón thêm vôi kết hợp với phân, đồng thời cần sử dụng hóa chất gây màu để động, thực vật phù du phát triển, cung cấp dinh dưỡng và kích thích sự phát triển của tảo để tăng độ đục đến mức tiêu chuẩn. Cần gom tụ các chất thải và loại bỏ khỏi ao nuôi nhằm tránh sự khuẩy động trong ao. Bên cạnh đó, cần quản lý tốt lượng thức ăn và màu nước ao nuôi.
Ao nuôi có quá nhiều bọt cần vớt để sạch nước ao. Ảnh: vpas.com.vn
Khi phát hiện bọt nhớt trong ao nuôi, cần tiến hành kiểm tra trong ao có xuất hiện các loại khí độc như H2S, NH3 hay không. Nếu có thì sử dụng chế phẩm sinh học (với liều lượng thích hợp) để hấp thụ khí độc, giảm lượng thức ăn xuống ½ so với thông thường trong suốt quá trình kể từ khi xử lý đến khi hết khí độc thì tăng lượng thức ăn trở lại bình thường.
Trường hợp bọt nổi dày, quạt tạt vào bờ thì cần vớt bọt khỏi ao và vớt váng tảo nổi trên mặt ao, nếu có thể hãy thay nước một phần. Ngoài ra cần cung cấp đủ ôxy hòa tan (tối thiểu trên 4ppm). Tiến hành rải vôi ở các khu vực có xuất hiện tụ chất thải, bùn đáy ao, cần duy trì độ pH ao nuôi trong khoảng 7,5 – 8,3. Có thể bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa có lợi vào khẩu phần ăn của tôm giúp hồi phục sức khỏe, kích thích ăn bình thường, cải thiện hệ miễn dịch tiêu hóa và tăng cường sức đề kháng cho tôm.