7 hợp tác xã gồm: HTX TM-DV-SX chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội; HTX chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong; HTX nông nghiệp TM-DV Phú Lộc (huyện Củ Chi); HTX TM-DV sản xuất nông nghiệp Mai Hoa (huyện Hóc Môn); HTX nông nghiệp SX-TM-DV Phước An (huyện Bình Chánh); HTX Hiệp Thành (huyện Nhà Bè) và HTX nông nghiệp TM-DV nuôi trồng thủy sản Cần Giờ (huyện Cần Giờ).
Còn khó trăm bề
Nhiều cán bộ làm NTM ở TP.HCM khẳng định, việc các xã NTM TP.HCM đẩy mạnh sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập có phần đóng góp không nhỏ của các mô hình kinh tế hợp tác.
Theo Chi cục NN&PTNT TP.HCM, thời gian qua, một số HTX đã tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho thành viên HTX, hộ nông dân. Đặc biệt, một số HTX đã tham gia vào chuỗi cung cấp sản phẩm vệ sinh an toàn thực phẩm VietGAP của thành phố thông qua Hội nghị Kết nối sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản theo hướng VietGAP và ký kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp, gồm: HTX Thỏ Việt; HTX Phú Lộc; HTX Phước An; HTX Nhuận Đức; HTX Ngã Ba Giòng; HTX Phú Hòa Đông; HTX Nấm Việt.
Ngoài ra, các HTX này cùng với HTX Tiên Phong, HTX Long Hòa tham gia cung cấp sản phẩm cho hàng trăm điểm bán các sản phẩm đạt chuẩn an toàn (chủ yếu là sản phẩm VietGAP)...
Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Hoàng Thị Mai – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM, HTX nông nghiệp vẫn chưa xứng với tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp đô thị; HTX luôn gặp nhiều khó khăn về vốn, đất, trình độ quản lý, cơ sở vật chất ban đầu để mở rộng sản xuất kinh doanh,...
“Năng lực quản lý, điều hành của HTX còn hạn chế, thiếu nhân lực có tâm huyết. Vốn hoạt động, cơ sở hạ tầng, đất đai còn hạn chế, chưa thu hút doanh nghiệp đầu tư để giúp HTX giải quyết vấn đề đầu ra cho thành viên của mình” - bà Mai nhận định.
Về thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư nông thôn, theo ông Trần Ngọc Hổ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.HCM, sự tham gia của DN có vai trò quan trọng để phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM. Trên cơ sở đề án xây dựng NTM của các xã, UBND thành phố đã đầu tư các nội dung từ quy hoạch đến xây dựng cơ sở hạ tầng theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM – điện, đường, trường, trạm.., thay đổi bộ mặt nông thôn; Thành phố đã thu hút DN về đầu tư ở nông thôn, phát triển sản xuất, tiêu thụ và chế biến. Nhưng, DN đầu tư vào HTX thì còn khá hiếm hoi.
7 “con thuyền” vươn khơi
Nói về quyết định xây dựng 7 HTX tiên tiến của thành phố, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM, ông Thái Quốc Dân cho biết: Từ năm 2016 sẽ xây dựng và triển khai thực hiện thí điểm mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, phù hợp tình hình sản xuất, lợi thế sản xuất trên địa bàn từng huyện gắn với mô hình cánh đồng lớn, với chuỗi liên kết, cung ứng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiệu quả cho bà con nông dân.
Ông Trần Văn Mùa – đại diện HTX Hiệp Thành cho biết: Việc HTX được chọn làm 1 trong 7 HTX tiến tiến là một điều rất tốt cho HTX vì sẽ nhận được sự hỗ trợ của thành phố để phát triển. “Chi Cục Phát triển nông thôn thành phố đang trực tiếp giúp HTX hoàn chỉnh các khâu quản lý, cũng như giúp HTX xây dựng quy trình chứng nhận tôm VietGAP cho các thành viên HTX” - ông Mùa nói.
Trong khi đó, ông Đào Thanh Đức - Phó Chủ nhiệm HTX SX – TM và DV Phước An cho biết: Mặc dù HTX đã thành lập 10 năm nay, nhưng vẫn còn vướng mắc một số bất cập như năng lực quản lý điều hành HTX. Ông Đức hy vọng, với việc được chọn là HTX tiên tiến, những bất cập của HTX sẽ được thành phố hỗ trợ, tháo gỡ.
Để mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại thành công, ông Dân cho rằng, cần phải áp dụng một số chính sách của Trung ương và thành phố. Như: hỗ trợ vốn, tín dụng; hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp…
Theo Sở NN&PTNT TP.HCM, hiện thành phố có 70 HTX nông nghiệp. Trong đó có 45 hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và ngành nghề nông thôn, bình quân 44 xã viên/HTX và 176 tổ hợp tác; bình quân 20 tổ viên/THT, đóng góp chung vào giá trị sản xuất nông nghiệp, nông thôn của thành phố.