Qua thống kê, tỉnh Lai Châu có 16.640 ha mặt nước để nuôi cá lồng, trong đó: Hồ thủy điện Bản Chát: 6.050 ha; hồ thủy điện Sơn La: 5.693 ha; hồ thủy điện Lai Châu: 3.963 ha; hồ thủy điện Huổi Quảng: 870 ha; hồ Hoàng Hồ: 2ha; Pa Khóa: 2,3ha; 09 hồ nhỏ chứa tại huyện Than Uyên: 27,33 ha. Theo Chi cục thủy sản tỉnh, đến nay thể tích nuôi cá lồng toàn tỉnh đạt: 3.943 m3, sản lượng nuôi cá lồng: 138 tấn, năng suất trung bình đạt 35 kg/m3. Tuy nhiên, năng suất và sản lượng nuôi cá lồng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh.
Nhằm phát huy tối đa những lợi thế của tỉnh về phát triển nuôi trồng thủy sản, năm 2017 bằng nguồn vốn khuyến nông địa phương, trạm Khuyến nông các huyện Tân Uyên, Than Uyên, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè đồng loạt triển khai dự án nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện với tổng quy mô 135 lồng nuôi cho 78 hộ và nhóm hộ cùng 3 Hợp tác xã trên địa bàn tham gia. Tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ 100% chi phí làm lồng và được cán bộ kỹ thuật của trạm Khuyến nông các huyện hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật làm lồng, nuôi thả, chăm sóc và phòng trị bệnh trên cá... Người dân đối ứng kinh phí mua giống, thức ăn và thuốc phòng bệnh. Mặc dù người dân tham gia dự án được hỗ trợ thấp (chỉ được hỗ trợ lồng nuôi) nhưng các hộ dân tham gia rất nhiệt tình do mô hình đã đáp ứng nhu cầu phát triển thủy sản của người dân. Đến thời điểm hiện tại các điểm triển khai đều đã nghiệm thu lồng nuôi và đang tiến hành thả cá. Riêng tại huyện Nậm Nhùn, các hộ dân còn tự đầu tư lồng và tiến hành nuôi thả được 37 lồng nuôi. Các đối tượng được người dân nuôi thả chủ yếu là: rô phi, chép, trắm và cá lăng...
Bên cạnh đó, nhằm giúp người dân tiếp cận với việc nuôi các loài cá đặc sản có giá trị kinh tế cao trên lòng hồ thủy điện, bằng nguồn vốn khuyến nông Trung ương, năm 2017 Trung tâm Khuyến nông triển khai mô hình nuôi cá tầm trên lòng hồ thủy điện với quy mô 200m3 cho 02 hộ nông dân tại xã Ta Gia và Mường Kim huyện Than Uyên tham gia. Nhà nước hỗ trợ 100% giống cá, 50% thức ăn và chế phẩm sinh học. Người dân đối ứng lồng nuôi, 50% thức ăn và chế phẩm sinh học còn lại. Hiện các hộ đã làm lồng và thả cá xong, đàn cá sinh trưởng và phát triển bình thường.
Hy vọng với việc triển khai các dự án nuôi cá lồng trên hồ thủy điện, người dân vùng lòng hồ của tỉnh sẽ tiếp nhận được các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế trong việc nuôi cá lồng trên các hồ chứa, từ đó duy trì, phát triển nhân rộng, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của địa phương.
Năm 2016, cũng từ nguồn vốn khuyến nông địa phương, Trạm Khuyến nông huyện Than Uyên xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Huôi Quảng với quy mô 30 lồng cho 65 hộ nông dân tại xã Ta Gia và Khoen On tham gia. Nhà nước cũng chỉ hỗ trợ chi phí làm lồng, kinh phí còn lại do người dân đối ứng. Kết quả đàn cá sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất: 16.000kg/216 m3