Ông Mật kể, bước đầu, ông dành 1.000m2 đất đào ao nuôi cá thịt. Nuôi cá thịt cho hiệu quả kinh tế cao, nên ông tích lũy dần vốn. Năm 2000, nhờ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang hướng dẫn kỹ thuật, ông xây hồ xi măng nuôi cá rô đồng, cá sặc rằn sinh sản nhân tạo… Cá giống ông nuôi đúng quy trình, áp dụng kỹ thuật bài bản nên đạt chất lượng, ít hao hụt nên người nuôi trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Do nguồn không đủ cung cấp và trước yêu cầu đa dạng của khách hàng, ông tìm hiểu và phát triển nhiều loại cá giống, như: cá trê, cá tra, cá phi, điêu hồng và các loại cá cảnh.
Khi việc ươm cá giống, bán cá cảnh dần ổn định và phát triển, ông Mật quyết định dành hơn 4.000m2 đất đào ao, mua cá trưởng thành về nuôi. Ông Mật cho biết: "Nhu cầu của người dân, các quán ăn, nhà hàng ngày nay thường chọn những con cá lớn để chế biến thức ăn. Mình đem cá trưởng thành về nuôi lớn thêm, cách ly môi trường nuôi công nghiệp nên thịt cá săn chắc, ngon hơn... Nuôi cá trưởng thành ít bị hao hụt hơn nuôi cá con. Nhờ vậy, lợi nhuận tính ra cao hơn mô hình nuôi cá con cho đến khi trưởng thành".
Để nâng cao thu nhập cho gia đình, xung quanh các ao nuôi cá, ông Mật trồng đu đủ và nhãn xuồng. "Đu đủ trái quanh năm, giá cả cũng ít biến động nên đủ tiền để trang trải chi phí hằng ngày. Trồng nhãn xung quanh ao rất hiệu quả, vừa che mát cho ao để cá mau lớn, vừa mang lại thu nhập cao cho gia đình. Chỉ tính riêng năm 2016, gia đình tôi thu về hơn 80 triệu đồng từ bán nhãn xuồng" – ông Mật cho biết.
Hằng năm, mô hình ươm cá giống, bán cá thịt… và làm kinh tế vườn mang lại cho gia đình ông Mật nguồn thu hơn 200 triệu đồng. Nhờ đó, nhiều năm liền ông được tuyên dương nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh. Ông cũng là một trong những nông dân xuất sắc được Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang chọn báo cáo mô hình điển hình cấp Trung ương hội sắp tới.