Lấy chất bù lượng
Xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch vốn là địa phương có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản nhờ diện tích mặt nước rộng lớn. Những năm gần đây, các mô hình nuôi tôm, cua thâm canh theo hướng công nghiệp đã được người dân ở đây mở rộng và dần thay thế cách nuôi truyền thống. Thế nhưng, giữa xu thế ồ ạt chuyển sang nuôi thủy sản theo hướng công nghiệp, lão nông Nguyễn Văn Bo vẫn lựa chọn cho mình một hướng đi riêng, đó là nuôi các loại đặc sản theo hướng hoang dã dựa nhiều vào tự nhiên.
Với 1 ha mặt hồ của gia đình, ông Bo chọn nuôi các loại thủy sản nước lợ gồm: cua, tôm sú, cá bống cát, cá đối… Theo ông Bo, việc chọn nuôi nhiều loại thủy sản trong cùng một ao giúp ông có được nguồn thu đa dạng và tạo ra môi trường sống gần giống với tự nhiên đối với các loại vật nuôi này. “Tôm, cua thì sống ở tầng đáy, trong khi cá sống ở tầng mặt. Việc nuôi thêm cá giúp cho môi trường nước trong ao sạch hơn do chúng ăn hết thức ăn dư thừa của tôm, cua”, ông Bo chia sẻ.
Do lựa chọn nuôi theo hướng hoang dã nên ông Bo hầu như không sử dụng bất cứ dụng cụ hỗ trợ nào trong quá trình nuôi. “Môi trường sống gần như giống với tự nhiên nên tôi không can thiệp gì. Thức ăn thì mỗi ngày chỉ bổ sung khoảng 1kg, còn lại cá, tôm, cua đều tự kiếm ăn từ nguồn nước tự nhiên được tôi lấy từ sông lên”, ông Bo cho hay.
Theo ông Bo, để đảm bảo tính hoang dã của vật nuôi, toàn bộ nguồn giống đều được đánh bắt từ tự nhiên. Với con giống tôm và cua, ông Bo lùng hoặc đặt mua từ những người làm nghề đánh bắt trong khu vực để thả nuôi. Riêng các loại cá thì nguồn giống trong ao được bổ sung từ nguồn nước sông mỗi lần lấy nước vào ao. “Nhờ không mua giống cá nên chi phí cho con giống cũng giảm đi rất nhiều”, ông Bo cho biết.
Chọn cách nuôi dựa nhiều vào tự nhiên nên ông Bo cũng xác định có sự hao hụt không nhỏ trong quá trình nuôi. Tuy nhiên bù lại, chi phí đầu tư và công chăm sóc giảm đáng kể so với cách nuôi công nghiệp. Theo lão nông 79 tuổi, việc nuôi tôm, cua, cá theo hướng hoang dã tuy không cho thu nhập “khủng” như cách nuôi công nghiệp nhưng lại không bao giờ lỗ. Để chứng minh cho điều mình nói, ông Bo lấy ví dụ với con cua, loại vật nuôi đang mang lại nguồn thu nhập chính cho ông. Theo đó, hiện cua giống được ông Bo mua với giá 2.000 đồng/con. Như vậy, với 1.000 con cua giống, lão nông này chỉ bỏ ra 2 triệu đồng. Tuy nhiên, với quá trình nuôi khoảng 2 tháng, chỉ cần 2/3 số cua giống sống sót là ông Bo có thể lãi hơn nhiều lần so với nuôi cua công nghiệp. “Cua nuôi loại lớn thì 1 ký khoảng 2 con, nhỏ hơn chút thì 3 - 4 con. Mỗi ký cua hiện có giá từ 400.000 - 500.000 đồng, chỉ cần sống 2/3 số cua giống thả xuống, tôi thu ít nhất 70 triệu sau 2 tháng nuôi. Vậy là có lời lớn, vì ngoài tiền mua giống và một ít thức ăn bổ sung, tôi gần như không tốn thêm bất cứ chi phí nào khác”, ông Bo phân tích.
Đặc biệt theo ông Bo, do nuôi theo cách tự nhiên nên ông không thu hoạch đại trà theo đợt mà việc thu hoạch được trải đều hằng ngày. “Ngày nào mình cũng đặt lưới. Con nào to thì mình bán, nhỏ mình lại thả nuôi tiếp. Mỗi ngày chỉ bán vài ký, nhưng bù lại nhờ chất lượng tốt nên giá bán luôn ở mức cao và ngày nào mình cũng có nguồn thu. Nói nuôi theo kiểu này là lấy chất bù lượng là vậy”, ông Bo cho hay.
Không lo đầu ra
Theo lão nông 79 tuổi, do được nuôi theo hướng hoang dã, sản phẩm sạch nên thương lái rất “mê” và luôn được trả với giá cao hơn các sản phẩm cùng loại được nuôi theo hướng công nghiệp. “Tôm, cá, cua từ hồ của tôi luôn có giá cao hơn các hồ nuôi công nghiệp từ 20 - 30% ”, ông Bo cho hay.
Điều thú vị, dù giá cao nhưng tôm, cua, cá nhà ông Bo luôn ở trong tình trạng không đủ hàng để bán. “Mỗi ngày mình chỉ có vài ký để bán nên không bao giờ tôi lo đầu ra. Có bao nhiêu là thương lái mua bấy nhiêu”, ông Bo khẳng định
Theo tính toán của ông Bo, dù chỉ xuất bán mỗi ngày vài ký cua, tôm, cá các loại nhưng do được giá nên gia đình ông luôn có nguồn thu nhập ổn định. “Mỗi ngày tôi bán 1 - 2kg cua, cũng từng đó tôm và vài ký cá. Từng đó cũng giúp gia đình có nguồn thu từ 1 - 2 triệu đồng mỗi ngày. Mỗi năm gia đình tôi cũng có nguồn thu hơn 300 triệu đồng từ 1 ha hồ nuôi này”, ông Bo cho hay.
Nỗi lo và bất an nhất của vị lão nông là chuyện nguồn nước ngày càng ô nhiễm. Bởi nuôi thủy sản theo hướng hoang dã phụ thuộc rất nhiều vào các điều kiện tự nhiên, trong đó nguồn nước là yếu tố quyết định thành bại. “Hiện nay nguồn nước bị ô nhiễm dữ quá nên nuôi theo hình thức này cũng rất mạo hiểm. Nếu đảm bảo được chất lượng nguồn nước thì mô hình nuôi thủy sản theo hướng hoang dã, gần với tự nhiên không những mang lại nguồn lợi lớn mà còn chắc ăn vững bền cho nông dân”, ông Bo nói.