Vùng Bảy Núi (An Giang) xưa vốn được xem là chốn rừng thiêng nước độc, với hệ thống núi non ẩn chứa vô vàn điều kỳ bí. Đây từng là nơi xuất hiện các loài thú dữ khổng lồ và con người đã phải chiến đấu với chúng để bảo vệ địa bàn sinh sống. Những câu chuyện PV lật tìm được hé mở phần nào sự thật về cuộc chiến giữa người và thú dữ vẫn được nhắc đến tận ngày nay.
Là một cán bộ lão thành cách mạng, hàng chục năm sống ở núi Cấm với nhiệm vụ trinh sát địch, ông Ba Thành được xem là nhân chứng sống hiếm hoi còn lại tại vùng Thất Sơn từng nhiều lần giáp mặt với các loài mãnh thú khổng lồ.
Ông bảo, sống sót được đến ngày hôm nay là do bản thân có tài săn bắn bách phát bách trúng. Tuy nhiên, người thợ săn một thuở này cũng cho rằng, mình còn sống một phần cũng nhờ may mắn.
Diện kiến cựu thợ săn thiện xạ
Dân gian có câu “nhất Tà Lơn nhì ông Cấm” để chỉ hai ngọn núi gần nhau nổi tiếng phương Nam là Tà Lơn (Campuchia) và núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang). Hai hệ thống núi hoang vu đầy thú dữ và cũng là nơi sản sinh ra nhiều đạo sĩ tài năng, đức độ.
Trong bảy ngọn núi của vùng Thất Sơn thì núi Cấm có vị trí quan trọng nhất trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Những nhà phong thủy cho rằng, đây là ngọn núi thiêng, nằm thế long chầu, đầu hướng phương Nam nên khởi phát hiền tài.
Do đó từ xa xưa, nhiều người đã lặn lội tìm đến nơi này tu thân, luyện võ, nghiên cứu thuốc để chóng thành tài. Những bậc cao niên kể lại rằng, cách đây khoảng một thế kỷ, núi Cấm hoàn toàn không có người sinh sống ngoại trừ những đạo sỹ, thầy tu ẩn danh.
Thú trên núi Cấm cũng không đa dạng nhưng luôn phảng phất tính huyền thoại. Đây là xứ sở của những giai thoại về rắn hổ mây khổng lồ, trăn tinh, hổ vằn, cho đến loài mãnh tượng (voi dữ). Như một lẽ tất nhiên, chính nhờ yếu tố thiên nhiên thời kỳ hoang dã đó mà nơi đây sản sinh ra những cao nhân chuyên khắc chế thú dữ.
Hiện tại, núi Cấm còn một vị đạo sĩ hơn trăm tuổi, kiêm thầy thuốc vẫn ngày ngày an lạc. Ông là nhân chứng sống từng đả bại hổ dữ, khuất phục rắn hổ mây khổng lồ.
Cũng thuộc hàng cao nhân nhưng không đi theo con đường đạo sỹ, ông Võ Văn Thành (82 tuổi), một cán bộ lão thành cách mạng là nhân chứng sống từng giáp mặt và đánh nhau với thú dữ khổng lồ.
Ông Thành nguyên là cán bộ trinh sát, cũng là một thợ săn thiện xạ. Người dân đến nay vẫn truyền tai nhau câu chuyện ông từng một mình tả xung hữu đột đánh tay đôi với heo khổng lồ 3 chân, chém đứt cổ trăn tinh. Tuy nhiên, lúc đang trên đỉnh cao của nghề săn thì ông đột ngột giải nghệ rồi về ở ẩn.
Nói đến chuyện săn thú, đôi mắt ông cụ lại sáng lên rồi cất lời lanh lẹ: “Trước đây, tôi không nói mình giỏi nhất nhưng dám chắc chẳng thua một ai về chuyện lên núi Cấm săn thú dữ. Một khi tôi đã nhắm bắn thì ít con thú nào thoát được”.
Người cựu thợ săn khét tiếng một thời bảo, hồi kháng chiến đơn vị đóng gần núi Cấm, chuyện giáp mặt với các loài thú dữ là thường ngày. Nếu ai nhát gan thì thấy chúng cũng đủ ngất xỉu. “Tôi từng gặp rắn hổ mây khổng lồ lớn như cái vành nón lá, dài hàng chục thước đi trên ngọn cây ào ào như giông bão, khạc hơi phù phù như gió, hay loài heo rừng mình lớn như con bò tót, nanh bén như lưỡi mác. Trong số đó, ông còn nhớ mãi lần giáp mặt và tử chiến cùng con trăn lai khổng lồ, có sức mạnh dị thường.
Chặt đầu trăn khổng lồ
Tay nâng chén, chậm rãi nhấp ngụm trà nấu từ lá rừng thơm phức, ông hồi tưởng: “Nhiều thế hệ tu tập trên vùng Thất Sơn cùng thời với tôi như lão đạo sỹ Nguyễn Văn Y (101 tuổi), từng đánh bại rắn hổ mây khổng lồ. Ngày nay, cuộc di cư ồ ạt của con người dưới xuôi lên đã khiến thú rừng bị săn bắt đến kiệt cùng hoặc rút vào những hang động trên đỉnh núi hoang vu còn lại như Tà Lơn (Campuchia).
Bởi thế, khi những thế hệ sau này được nghe kể về thú dữ trên núi Cấm, họ thường cho rằng đó là chuyện phóng đại. Tuy nhiên, chuyện tôi từng đối mặt và giết chết con trăn lai khổng lồ xưa kia thì hoàn toàn là thật”.
Trước khi trở lại ký ức xa xưa về trận đối đầu sinh tử, ông Thành bảo: “Tôi sống đến ngần này tuổi rồi nhưng chưa từng biết nói chơi. Chú không tin có thể hỏi bất kỳ ai sống lâu năm trên núi này. Thằng Thắm, thằng Hào con trai tôi chúng nó cũng biết chuyện ngày trước tôi đánh nhau với trăn khồng lồ đó”.
Theo như lời cụ Thành thì hồi còn hoạt động cách mạng, cầm súng băng rừng, luồn hang săn thú cải thiện bữa ăn cho đồng đội, cụ thường chạm mặt rắn hổ mây khổng lồ. Thế nhưng, loài rắn này người dân vùng Thất Sơn coi là thú linh thiêng. Họ tin rằng nếu giết hại trước sau sẽ bị trả thù, điều này đối với thợ săn “ăn rừng ở núi” như cụ Thành là vô cùng tối kị.
Cụ Thành kể, đó là lần đi chặt cây mây rừng tại vồ Bà (gần điện Bà Chúa Xứ - PV) về làm dây dựng nhà. “Hôm đó, không hiểu vì lý do gì mà lúc đi sâu vào rừng, tôi quên không mang theo súng mà chỉ vác con dao và chiếc quéo (giống câu liêm – PV). Bụi dây mây rừng rậm rạp lan khắp nơi, khiến tôi phải khó nhọc vạch đường mãi mới tìm được đến trước một miệng hang động rậm rịt”.
Thế nhưng, đúng vào lúc cụ Thành đang lúi húi dùng dao tróc nhánh mây rừng, thì bất ngờ trong lùm cây trước mặt, tiếng khè khè rất lớn phát ra. Linh tính mách bảo có điều gì bất thường, cụ Thành vừa bước chân giật lùi lại, vừa nắm chặt con dao. Một thoáng trấn tĩnh, người thợ săn lão luyện quay lưng, định rút lui thì đột nhiên, một cái đầu trăn to như phích nước bò ra trông đầy khiếp hãi.
Kinh nghiệm đi rừng nói cho cụ Thành biết đó là con trăn lai, một loại pha tạp giữa trăn thường cùng rắn hổ mây chỉ có ở vùng núi Thất Sơn. Loài này rất hung hăng, một khi chúng đã chủ động tấn công thì con mồi khó mà thoát thân nổi.
Trong khoảnh khắc căng thẳng, cụ Thành hiểu giờ có chạy cũng không còn kịp nữa. Muốn sống sót, cụ phải chiến đấu và hạ gục con ác thú. Đặc điểm của loài trăn trên núi Thất Sơn là khi nó mổ, tức thì đuôi sẽ quất ngay, sau đó dùng thân quấn chặt con mồi cho đến khi nát bấy xương nó mới nuốt. Cụ Thành bình tĩnh xử lý tình huống. Ngay nhát mổ đầu tiên của con trăn, cụ lách người sang một bên đồng thời né cú quất đuôi như trời giáng. Trăn mổ từ trên cao, cụ cúi rạp người. Nó quất dưới đất, cụ đu lên cây cao.
Cả người và trăn tả xung hữu đột vang động cả một góc rừng. Những nhát quéo của người thợ săn khiến con trăn dính đòn mình đầy thương tích, quần áo cụ Thành cũng rách bươm. Khi cụ đang lấy sức bình sinh để tránh đòn thì con trăn bất ngờ há miệng mổ thẳng, cú né của cụ khiến nó hụt đà.
Thời cơ đến, cụ Thành vung lưỡi quéo nhằm cổ con trăn lai phạt thẳng một nhát. Lưỡi quéo sắc bén khiến đầu con trăn đứt lìa rơi bịch xuống đất, thân nó quằn quại quấn gãy thêm mấy gốc cây nữa. Cụ Thành đến ướm thử thì thấy nó lớn bằng hai bắp đùi người lớn.
Không nhấc nổi, cụ đành xuống núi gọi hai người con lên chặt con trăn thành nhiều khúc lần lượt vác về. “Khi tôi đánh thì không sợ hãi gì cả, nhưng về nhà nghĩ lại mới hãi hùng. Nếu như lần đó, tôi không nhanh, sức không khỏe thì giờ không còn ngồi đây nữa rồi”, cụ Thành nhớ lại.
Tài thiện xạ từ khoảng cách ngàn thước
Hồi thanh niên, ông Thành cao lớn, có sức khỏe, nhanh như sóc, thông minh hơn người nên hay tụ tập thanh niên trong ấp dùng mưu chặn đường tiêu diệt giặc. Sau đó ông học bắn súng và được bầu vào Xã đội trưởng xã Tú Tài.
Năm 1960, khi tên Quận trưởng Chi Lăng (nay là thị trấn Chi Lăng) cùng thuộc hạ đi ngang qua vùng bằng xe Jeep, được nhân dân báo tin, ông Ba Thành bí mật cầm súng đón lọng phục kích dọc đường. Lần đó, ông đã nhắm bắn hai phát khiến tên tổng đoàn trưởng chết tại chỗ, tên quận trưởng gãy ống tay, bọn lính khiếp vía bỏ chạy tứ tán để thoát thân.
Với chiến công trên, Võ Văn Thành được kết nạp Đảng, sau đó đi học trường bắn tỉa để làm lính trinh sát. “Tôi đảm bảo nếu đối tượng xa khoảng một ngàn thước đổ lại, tôi nhắm sẽ hạ gục ngay không cần phát thứ hai”, giọng ông Ba Thành chắc nịch.