Cuộc nghiên cứu, do nhóm chuyên gia của Đại học Hawaii (Mỹ) và Tokyo (Nhật Bản) thực hiện, là dự án đầu tiên sử dụng các cảm biến phức tạp và thiết bị quay video để theo dõi cách thức hoạt động của cá mập trong môi trường biển cả.
“Mục tiêu của chúng tôi là tìm hiểu thông tin chưa từng được biết đến về vai trò của cá mập trong đại dương”, theo tạp chíNational Geographic dẫn lời chuyên gia Carl Meyer của Đại học Hawaii (Mỹ).
Một máy quay đã ghi lại hình ảnh một con cá mập cát di chuyển ở độ sâu 91 m trước khi gia nhập vào đoàn cá mập cát, cá mập chóp vây đen và cá mập đầu búa.
Trong một cảnh quay, các chuyên gia phát hiện cá mập vận dụng năng lực bơi lội kinh người để di chuyển xuyên đại dương chứ không dựa vào các dòng chảy.
Trong khi các dự án theo dõi cá mập đã được triển khai nhiều năm qua, đây là dự án đầu tiên sử dụng thiết bị siêu nhạy đủ sức tạo ra các mô hình 3D về cách di chuyển của cá mập và mức độ tiêu tốn năng lượng khi bơi.
Theo đó, các gia tốc kế và từ kế có thể xác định được tốc độ bơi của cá cũng như từ trường quanh nó, trong khi những thiết bị khác đo độ sâu và nhiệt độ nước.