Ngư dân Nguyễn Tím, ở thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) là người sở hữu hai chiếc tàu, với tổng công suất 900CV, trị giá khoảng 8 tỷ đồng.
Riêng các trang thiết bị, ngư lưới cụ phục vụ việc khai thác hải sản xa bờ được ông mua sắm có giá trị khoảng 5 tỷ đồng. Mặc dù có giá trị lớn, nhưng ông cũng như nhiều ngư dân khác chỉ mua được bảo hiểm thân tàu, còn các thiết bị, ngư lưới cụ thì theo quy định, không được hỗ trợ mua bảo hiểm.
Ông Tím cho biết, các thiết bị như máy tàu, máy quét, máy dò cá ngang, máy định dạng, máy đo nước... có nguồn gốc xuất xứ Nhật Bản, giá thành rất cao. Trong khi đó, mỗi khi hành nghề ngoài đảo xa, nhất là vào mùa biển động, ngư dân luôn đối mặt với nhiều rủi ro, gây hư hỏng các thiết bị, ngư lưới cụ. Do đó, việc trang thiết bị, ngư lưới cụ không được hỗ trợ bảo hiểm gây nhiều thiệt thòi cho ngư dân.
Ngư lưới cụ của ngư dân hiện không được hỗ trợ bảo hiểm.
Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu (Bình Sơn) Nguyễn Thanh Hùng cho biết, tính từ đầu năm đến nay, xã Bình Châu có 20 tàu cá khi khai thác hải sản trên biển thì bị tàu nước ngoài đâm va, phá trang thiết bị, ngư lưới cụ, gây thiệt hại về kinh tế rất lớn cho ngư dân. Trong đó có nhiều chủ tàu phải vay mượn từ các ngân hàng, ứng trước từ các đầu nậu để đóng tàu vươn khơi. Điều này khiến họ gặp nhiều khó khăn khi muốn tái hành nghề sau những chuyến biển gặp nạn. Vì thế, việc sửa đổi lại chính sách hỗ trợ này là điều ngư dân rất mong mỏi.
Trao đổi về vấn đề này, đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: Nghị định 17 thay thế Nghị định 67 của Chính phủ, có sửa đổi một số nội dung, trong đó có chính sách về bảo hiểm. Cụ thể là, chính sách mới chỉ áp dụng bảo hiểm cho thân tàu, không bao gồm các trang thiết bị, ngư lưới cụ. Điều này xuất phát từ thực tế là, các trang thiết bị, ngư lưới cụ khi ngư dân mang ra khơi có số lượng bao nhiêu, như thế nào thì không kiểm soát được. Khi gặp nạn, nhiều ngư dân khai báo cũng chưa thành thật, gây khó khăn cho cơ quan chức năng...