Một nhóm nhà nghiên cứu đến từ Đại học New Mexico, Đại học California và Đại học Murcia phát hiện chiếc kén tạo bởi cá phổi sống ở lòng hồ khô cạn tại châu Phi cấu tạo từ mô sống kháng khuẩn. Họ công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Science Advances.
Cá phổi sống ở nhiều nơi tại châu Phi, trong những hồ nước nhỏ thường khô cạn khi trời không mưa trong thời gian dài. Khi điều này xảy ra, cá phổi tạo một chiếc kén bao quanh cơ thể bằng chất nhầy. Nhờ đó, nó có thể "ngủ hè" tới 5 năm mà không cần nước. Mục đích của chiếc kén là bảo vệ cá phổi khỏi bị khô trong lúc chờ môi trường ẩm ướt trở lại. Trong nghiên cứu mới, nhóm chuyên gia phát hiện chiếc kén có vai trò đặc biệt hơn họ nghĩ.
Cá phổi nổi tiếng với khả năng sống sót thời gian dài không cần nước. Ảnh: Primitive Fishes
Trước đây, giới nghiên cứu cho rằng chiếc kén chỉ đơn giản là một loại vỏ bọc, không có tác dụng gì khác ngoài ngăn chặn hơi ẩm thất thoát dưới ánh nắng gay gắt. Giờ đây, họ nhận thấy chiếc kén là do mô kháng khuẩn tạo thành.
Để tìm hiểu nhiều hơn về cá phổi và chiếc kén, các nhà nghiên cứu bắt đầu phân tích thành phần của nó vào năm 2018. Họ phát hiện bạch cầu hạt (granulocyte) dịch chuyển trong suốt thời gian cá phổi chờ nước quay trở lại. Gần đây, nhóm nghiên cứu xem xét kỹ hơn và nhận thấy chiếc kén chứa đầy bạch cầu hạt. Những bạch cầu hạt này dịch chuyển từ da vào kén một cách chậm rãi và thường xuyên. Chiếc kén không chỉ là dịch nhầy khô và còn là một bộ phận sống của cá phổi.
Ảnh chụp cho thấy bạch cầu hạt tạo ra bẫy khiến vi khuẩn bất động. Khi nhóm nghiên cứu loại bỏ bẫy từ một số mẫu vật, cá phổi trở nên dễ tổn thương hơn trước bệnh nhiễm khuẩn da và vi khuẩn gây nhiễm trùng máu. Vài dạng nhiễm khuẩn có thể dẫn tới xuất huyết. Nhóm nghiên cứu kết luận ngoài bảo vệ cá phổi khỏi hơi nóng, chiếc kén còn giúp chúng tránh nhiễm khuẩn.