Nhóm nghiên cứu của nhà khoa học Andrew Fields thuộc Đại học Stony Brook, New York kiểm tra mẫu DNA của 190 cá thể cá đao răng nhỏ trong khoảng thời gian từ 2004 đến 2013.
Trong số đó, họ phát hiện 7 cá thể (chiếm 3% số mẫu kiểm tra), được sinh ra từ ba con cá mẹ khác nhau. "Số liệu cho thấy nhiều khả năng chúng không có bố", Live Science dẫn lời Fields hôm qua cho biết.
Đây là trường hợp trinh sản đầu tiên của một loài động vật có xương sống, từng được phát hiện trong môi trường hoang dã.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của hiện tượng này có thể do loài cá đao đang bên bờ vực tuyệt chủng, khiến những con cái có thể đang chuyển sang trinh sản (Parthenogenesis) như một cách cuối cùng để duy trì nòi giống, tránh bị tuyệt chủng.
Thuật ngữ khoa học là Parthenogenesis, tức trinh sản, bắt nguồn từ chữ Hy Lạp Parthenos là "cô gái trinh tiết" và genes là "phát sinh". Đây là hình thức sinh sản mà trứng không thụ tinh phát triển thành cá thể mới.
Đây là phương pháp duy trì nòi giống của nhiều loài cây và động vật không xương sống. Đối với loài động vật có xương sống, từ trước đến nay, hiện tượng này mới chỉ được ghi nhận ở một số cá thể bị nuôi nhốt như cá mập, chim và bò sát.
Loài cá đao răng nhỏ ở Florida này là một trong 5 loài cá đao, một nhóm thuộc giống cá đuối, đặc trưng với mõm dài nhiều răng thường dùng để bắt những con cá nhỏ.
Loài cá này có xương làm từ sụn tương tự như cá mập có thể dài tới 7,6 m. Các nhà khoa học từng cảnh báo nhóm cá đao có thể là họ cá biển đầu tiên tuyệt chủng do nạn bắt quá đà và mất môi trường sống ven biển.