Đánh bắt theo kiểu… tận diệt
Theo nhiều ngư dân, người làm nghề đánh bắt thuỷ sản ai cũng biết đã có quy định cấm sử dụng các ngư cụ như lưới xanh, lưới dớn, lưới cào… để khai thác thuỷ sản. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng ngư cụ cấm hiện diễn ra khá phổ biến ở hồ Dầu Tiếng, làm tăng nguy cơ tận diệt nhiều loài thuỷ sản và gây mất an ninh trật tự trong hồ.
Vài năm trước đây, hồ Dầu Tiếng chỉ có chừng hơn 10 ghe cào, chủ yếu hoạt động vào ban đêm để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Khoảng hơn 2 năm nay, số lượng ghe cào tăng lên nhanh chóng, ước khoảng có đến 30 chiếc phân bố ở khắp khu vực lòng hồ, kể cả khu vực đầu nguồn. Có lẽ thấy sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng nên các ghe cào này vô tư hoạt động vào ban ngày.
Hầu hết các ghe này sử dụng lưới cào (loại lưới mắt nhỏ) hoành hành ngày đêm trong lòng hồ Dầu Tiếng. Bình quân, mỗi ngày một ghe có thể bắt từ 100 đến 150 kg cá các loại. “Không có loài cá nào thoát được lưới này”, một ngư dân nói.
Lấy lý do đi mua cá, chúng tôi thuê hẳn một chiếc ghe của người dân trong vùng, lênh đênh trong hồ Dầu Tiếng. Chủ ghe đưa chúng tôi đến chỗ một ghe cào đang hoạt động ở khu vực xã Tân Thành (Tân Châu). Lúc này đã là 11 giờ trưa, trên ghe có 5 người đang ra sức thả, kéo lưới cào và bắt cá. Chúng tôi hỏi mua cá và giở nắp 2 thùng xốp to đùng trên ghe cào ra xem. Cả 2 thùng đều đầy ắp cá đủ loại. Ước tính, mỗi thùng có hơn 70 kg cá, chủ yếu là cá nhỏ, cá cơm, và một phần cá lứa đủ loại. Lẫn trong số này, có nhiều loại cá có thể lớn vài kg, thậm chí trên 10 kg như cá mè, cá rô phi… Chúng tôi hỏi mua cá lăng, cá lóc lớn nhưng những người trên ghe cào cho biết “không có cá lớn, chỉ có cá mồi cho ba ba, cá lóc bông ăn thôi”.
Ghe đưa chúng tôi về hướng xã Định Thành (huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương). Từ xa, chúng tôi đã nghe tiếng máy nổ ầm ầm. “Đó, mấy ghe cào đang bắt cá ở đó”- chủ ghe cho biết. Chúng tôi đề nghị ông đưa đến chỗ các ghe cào này thì ông lắc đầu: “Tụi này dữ dằn lắm. Để họ biết mặt tui thì mai mốt khó yên, không bị đánh thì cũng bị chúng đập phá ghe”.
Cần tăng cường tuần tra, xử lý
Một số ngư dân búc xúc cho biết, tình trạng ghe cào lộng hành trong hồ Dầu Tiếng xảy ra đã nhiều năm nay. Ngoài nguy cơ huỷ diệt các loài thuỷ sản, những người đánh bắt cá bằng ghe cào còn làm hư hại ngư cụ như lưới, câu của ngư dân trong hồ. Khi có người phản ứng với các chủ ghe cào thì đã xảy ra ẩu đả, xô xát. “Họ rất dữ dằn, mang theo cả hung khí trên ghe. Chúng tôi càng phản ứng thì họ càng làm tới, không kiêng nể ai”.
Cá lớn, cá nhỏ đều không thoát khỏi lưới cào.
Từ năm 2005 đến năm 2011, Tây Ninh đã chi ngân sách gần 3 tỷ đồng để mua cá giống thả vào hồ Dầu Tiếng, nhằm làm tăng nguồn lợi thuỷ sản trong hồ. Đã có gần 7 triệu con cá giống các loại như lóc bông, lăng nha, trắm cỏ, mè trắng, mè vinh, trôi, lăng vàng, thát lát được thả vào hồ. Kết quả cho thấy, những năm qua, sản lượng thuỷ sản khai thác được trong hồ tăng đáng kể, năm 2011 gấp 8 lần năm 2000. Sản lượng bình quân bắt được trong 3 năm gần đây đạt khoảng 3.000 tấn/năm.
Ước tính, hiện trong hồ Dầu Tiếng có khoảng trên 1.000 phương tiện đánh bắt thuỷ sản với khoảng trên 3.000 người tham gia. So với năm 2009, số lượng phương tiện tăng khoảng 150 chiếc ghe, thuyền; tăng khoảng 300 người đánh bắt cá. “Trong số các ghe cào đang hoạt động, có khoảng gần một nửa là của dân Việt kiều Campuchia. Ngoài sử dụng ghe cào, họ còn sử dụng một số ngư cụ khác rất lạ, bắt được nhiều cá lớn lẫn nhỏ”, một ngư dân cho biết.
Theo dự báo của Chi cục Thủy sản, tổng giá trị sản lượng thủy sản năm 2012 có khả năng đạt 130,776 tỷ đồng, tăng 9,4% so với năm trước. Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 14.869 tấn, tăng 9.43%. Trong đó, sản lượng nuôi trồng phấn đấu đạt 11.650 tấn, sản lượng thủy sản khai thác đạt 3.219 tấn, tăng khoảng 200 tấn so với năm 2011. Tuy nhiên, để bảo đảm sự tăng trưởng ổn định của các loài thuỷ sản, ngư dân hồ Dầu Tiếng kiến nghị cơ quan chức năng sớm ngăn chặn tình trạng sử dụng ghe cào, ngư cụ cấm. “Sau mỗi đợt thả cá, đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn tình trạng nhiều người sử dụng ngư cụ cấm, trong đó có ghe cào bắt cá giống. Thực tế những năm qua cho thấy, nhiều người vẫn ngang nhiên sử dụng ghe cào và ngư cụ cấm khác bắt cá ở những khu vực vừa thả cá giống. Hành vi này cần phải được xử lý nghiêm!”, nhiều ngư dân bức xúc.