Tiếp tục kỷ lục mới
Theo VASEP, dự kiến, hết năm 2013, xuất khẩu tôm có thể đạt 2,8 tỷ USD, tăng 27% so năm 2012. Trong đó, tính chung 10 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm vẫn tăng đều đặn ở nhiều thị trường lớn, như: Mỹ tăng 62,6%; Nhật Bản 12,8%, EU 14,8%, Trung Quốc 42,8%, Hàn Quốc 7,2%... Đặc biệt, Mỹ đã vượt Nhật, trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất Việt Nam. Sau 9 tháng, xuất khẩu tôm sang Mỹ đã đạt trên 542,7 triệu USD, tăng 62,6% so cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, trong quý III, giá trị xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đạt khoảng 109 triệu USD.
Theo Bộ NN&PTNT, hiện tại giá tôm thẻ chân trắng (TTCT) cỡ 60 - 70 con/kg là 145.000 - 150.000 đồng/kg; giá tôm sú cỡ 40 - 50 con/kg là 180.000 - 190.000 đồng/kg. Giá trị xuất khẩu tôm 10 tháng đầu năm 2013 đạt gần 2,5 tỷ USD, tăng gần 32,7% so cùng kỳ năm 2012, chiếm 44% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước.
Lý giải nguyên nhân tăng trưởng này, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho rằng: Việt Nam đã có kinh nghiệm trong việc thả nuôi tại một số vùng dịch, việc áp dụng những mô hình nuôi hạn chế sử dụng hóa chất nên nhiều người đã nuôi thành công, hơn nữa giá tôm tăng rất cao do nguồn cung cấp tôm hàng đầu thế giới là Thái Lan bị dịch bệnh EMS hoành hành, điều đó khiến tôm Việt Nam được giá, được mùa nên giá trị xuất khẩu tăng. Cộng với việc Mỹ đưa ra kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá (CBPG) lần thứ 7 đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ giai đoạn từ 1/2/2011 đến 31/1/2012. Theo đó, 33 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam tham gia xem xét đều được công nhận không bán phá giá tôm vào Mỹ và nhận mức thuế CBPG 0%...
Kịch bản cho năm 2014?
Thắng lợi là vậy, nhưng theo ông Trương Đình Hòe, khó xác định được xu hướng năm 2014. Giá tôm cũng phụ thuộc nhu cầu của thị trường; nếu giá tôm tăng cao, người tiêu dùng có thể chuyển sang sử dụng sản phẩm khác. Hơn nữa, nếu tình trạng nuôi tôm tự phát kéo theo sự lơ là về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là lượng tồn dư kháng sinh trong tôm vượt mức quy định của các nhà nhập khẩu thì việc tiêu thụ sẽ rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, tình hình EMS tại Ấn Độ chưa có dấu hiệu giảm, sẽ làm giảm sản lượng xuất khẩu tôm trên thị trường, tác động tới nguồn cung và ảnh hưởng tới giá cả thế giới.
Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng Giám đốc Công ty Cafatex cho rằng năm 2014, do những vùng nuôi tôm đã sử được sử dụng triệt để nên sản lượng tôm trong nước sẽ tăng. Hơn nữa, nhu cầu tôm trên thế giới sẽ dồn về Việt Nam khi sản lượng tôm tại Ấn Độ tăng không đáng kể, sản lượng tôm Thái Lan vẫn giảm mạnh. Tuy nhiên, năm 2014 giá tôm sẽ không cao như 2013. Ngành tôm cần thực hiện việc quy hoạch thủy lợi, quy hoạch diện tích từng vùng nuôi, tìm cách hạn chế rủi ro dịch bệnh.
Cùng đó, xuất khẩu tôm Việt Nam phải chấn chỉnh kịp thời khi xuất sang Trung Quốc. Việt Nam cần định hình nhu cầu xuất khẩu của thị trường này. Nếu Trung Quốc tiếp tục thiếu tôm nguyên liệu do tình hình dịch bệnh trên tôm chưa được cải thiện, sẽ gây khó khăn cho Việt Nam khi tình trạng xuất khẩu tôm qua đường tiểu ngạch vẫn diễn ra. Chính quyền cần kiểm soát và tuân thủ kỹ dạng thu gom của thương lái nước này, kiểm tra việc họ đã đóng thuế cho địa phương chưa, thanh toán cho người nuôi ra sao, từ đó có những cân đối về sản lượng phục vụ xuất khẩu sang các nước khác…
Theo đó, năm 2014 cần có thông tin đầy đủ về cung - cầu, để có số lượng cung ứng phù hợp, mở rộng xuất khẩu bằng đường chính ngạch, đảm bảo ổn định thị trường, bởi nếu xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch, có thể sẽ gây tác động không tốt cho con tôm Việt Nam.
>> Theo Bộ NN&PTNT, để vụ tôm 2014 đạt hiệu quả, ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý chất lượng con giống, thức ăn, thuốc; tăng cường kiểm soát dịch bệnh; triển khai đồng bộ bảo hiểm nông nghiệp trong nuôi tôm để hạn chế rủi ro cho người dân…