Nhiều ưu điểm
Nhiều công trình nghiên cứu về đèn led cho thấy, loại bóng đèn này “siêu tiết kiệm điện”, “tuổi thọ cao nhất”, “sự lựa chọn cho tương lai”... Tại Quảng Nam, đèn led chưa được ứng dụng rộng rãi trong khai thác hải sản. Một trong những ngư dân đầu tiên sử dụng đèn led tại Quảng Nam là anh Võ Công Thảo - chủ tàu cá QNa-90170, công suất 450CV, theo nghề lưới vây. Anh Thảo cho biết, sản lượng khai thác hải sản trong một chuyến biển khi sử dụng đèn led đạt khoảng 45 tấn cá nục, cá ngừ, trong khi đó, trước đây sử dụng đèn cao áp chỉ đạt tối đa 30 tấn cá cùng loại. Về nhiên liệu sử dụng, lượng dầu cần để nổ máy phát điện chiếu sáng đèn led ít hơn đèn cao áp đến hơn 78%. “Tôi chọn dùng loại đèn led trong quá trình đánh bắt hải sản vì nó cho thấy ưu thế vượt trội. Hơn nữa, đèn led có tuổi thọ cao hơn đèn cao áp gấp nhiều lần” - anh Thảo nói.
Anh Nguyễn Văn Thịnh - chủ tàu cá QNa-91188, công suất 220CV, là ngư dân tiên phong trong sử dụng đèn led để khai thác hải sản bằng nghề chụp mực. “Qua tham quan học hỏi kinh nghiệm, tôi đã thử nghiệm sử dụng đèn led để chụp mực. Tôi rất yên tâm khi qua các chuyến biển thí điểm với đèn led đã đem lại sản lượng đánh bắt cao hơn so với sử dụng đèn cao áp truyền thống trước đây. Nhiên liệu sử dụng để phát điện chiếu sáng đèn led cũng giảm đến 1/3 so với đèn cao áp. Vì thế, tôi sử dụng đèn led được gần một năm nay” - anh Thịnh nói. Mới đây, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam cũng đã triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu ứng dụng đèn led và solar trên tàu chụp mực 4 tăng gông”. Mục đích là ứng dụng công nghệ đèn led và điện mặt trời, chứng minh độ bền, độ an toàn của thiết bị, qua đó tăng hiệu quả khai thác hải sản và tiết kiệm nhiên liệu dùng để chạy máy phát điện.
Còn phân vân
Thực tế sử dụng đèn led trong đánh bắt hải sản của ngư dân Quảng Nam đã cho thấy hiệu quả vượt trội so với đèn cao áp, huỳnh quang. Câu hỏi đặt ra là tại sao cách làm này chưa được bà con ngư dân nhân rộng ra trên địa bàn tỉnh? Trao đổi với chúng tôi, hầu hết ngư dân cho biết, chưa thật sự tin tưởng vào đèn led và giá tiền đầu tư rất lớn. Theo các ngư dân, chất lượng đèn khi ứng dụng vào khai thác hải sản phải đảm bảo nhiều tiêu chí, trong đó độ sáng phải bằng hoặc lớn hơn sản phẩm được sử dụng trước đây, không gây nhiễu sóng các thiết bị hàng hải, chống ăn mòn trong thời gian dài, chịu va đập, tuổi thọ cao, phổ màu phải phù hợp với từng nghề. “Tôi sử dụng đèn led của Trung Quốc thấy gây nhiễu sóng radio, Icom. Độ phủ chiếu sáng bề rộng của đèn led không cao. Độ sâu chiếu sáng thấp. Tôi cũng không thể điều chỉnh đèn chìm sáng hơn hoặc mờ hơn khi đang vận hành ở trên tàu” - ngư dân Nguyễn Văn Quang ở thôn Hà Quang, xã Tam Tiến, cho biết.
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH-CN cho rằng, đèn led chưa được dùng rộng rãi để ngư dân khai thác hải sản là do tập quán của đại đa số ngư dân thích sử dụng đèn thông dụng bấy lâu nay là đèn sodium, đèn huỳnh quang. Giá thành đầu tư đèn cao áp cao hơn đèn truyền thống. Ngư dân còn nghi ngờ về khả năng tập trung cá khi dẫn dụ bằng đèn led. Toàn tỉnh chưa có công trình nghiên cứu hoặc thử nghiệm đầy đủ để hướng dẫn ngư dân sử dụng đèn led hiệu quả cao nhất có thể. Hiện tại, vẫn chưa có chỉ dẫn về trang bị đèn led cho phù hợp với công suất phát sáng, cách lắp đặt trên tàu, cách vận hành thật sự khoa học, bài bản.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Theo ông Võ Văn Long - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, ngư dân ngại sử dụng đèn led vì chi phí đầu tư ban đầu cao, 15 triệu đồng/bóng. Tâm lý chung của ngư dân là dựa vào hỗ trợ của Nhà nước chứ hiếm khi chịu đầu tư chi phí lớn, đó là cái khó để nhân rộng mô hình dùng đèn led trong khai thác hải sản tại Quảng Nam. Thêm nữa, ánh sáng đèn led chỉ tập trung vào góc chiếu chứ không phủ tràn lan như đèn truyền thống, nhìn xa sẽ thấy tối, ngư dân nhầm lẫn cho rằng ánh sáng không đủ để đánh bắt hải sản hiệu quả. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền các tính năng vượt trội để ngư dân vượt qua những “định kiến”, sử dụng rộng rãi đèn led. Ông Trần Quang Kiến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản kiêm Chủ tịch Hội nghề cá cho rằng, cần phải chứng minh được những tối ưu của đèn led, tập trung vào độ sâu, độ rọi, màu sắc để ngư dân thấy rõ và đầu tư. Chỉ cần vài chuyến biển hiệu quả thì ngư dân đã dư hoàn trả vốn đầu tư đèn led rồi.
Ông Nguyễn Phi Uy Vũ - Viện Hải dương học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) nêu ý kiến, sử dụng đèn led rất phù hợp với khai thác hải sản hiện đại, hiệu quả cao. Khi áp dụng, ngư dân cần xác định rõ các thông số nguồn sáng và thiết kế lắp đặt hệ thống đèn led trên tàu cá. Đối với nghề lưới vây, ngư dân nên đầu tư 32 bóng đèn, phân bổ 2 bên ca bin mỗi tàu 14 bóng, phía sau buồng lái 4 bóng. Khi chong đèn led chiếu mạn tập trung cá, ngư dân cần bắt đầu vào chập tối, tiến hành khoảng 10 - 12 giờ đồng hồ. Khi đàn cá tập trung lớn, thuyền trưởng giảm độ sáng đèn led gom cá để tập trung cá gần mặt nước, vây lưới thuận tiện. Khi đó, chú ý giảm sáng đèn led ở mạn chuyển sang sáng đèn bè; thời gian này diễn ra chừng 60 phút và tùy thuộc phản ứng của đàn cá theo ghi nhận của thuyền trưởng. Ông Dương Trung - Phó Giám đốc Công ty CP Bóng đèn, phích nước Rạng đông chi nhánh TP.Đà Nẵng khẳng định, sử dụng đèn led trong khai thác hải sản có ưu điểm tuyệt đối so với đèn sodium, đèn huỳnh quang.
Những ý kiến nghi ngờ tính ưu việt tuyệt đối của đèn led so với đèn huỳnh quang, cao áp là do ngư dân mới chỉ sử dụng thiết bị của Trung Quốc. Công ty đã thử nghiệm nhiều lần, chứng minh các ưu điểm của đèn led rồi mới tung ra thị trường. “Đèn led sẽ giúp ngư dân tăng năng lực sản xuất, giảm chi phí chuyến biển, ít bức hại môi trường, an toàn cho người dùng, dễ dàng lắp đặt, tuổi thọ cao gấp 20 lần so với đèn truyền thống. Chúng tôi sẽ giảm giá 50% nếu ngư dân trên địa bàn Quảng Nam mua đồng bộ đèn led trang bị trên tàu cá khai thác hải sản” - ông Trung nói. Theo ông Phạm Viết Tích, các nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan truyền thông cần tiếp tục vào cuộc, nghiên cứu, quảng bá, tuyên truyền về tính vượt trội của đèn led để ngư dân tin tưởng sử dụng trong quá trình khai thác hải sản.