Gia đình ông Trình Huy Hoàng ở thôn 10, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng nuôi cá lồng dưới lòng hồ thủy điện Thác Mơ hơn 10 năm qua. Năm nay, ông Hoàng nuôi khoảng 50 ngàn con cá các loại (hồng vĩ, lăng, trê, chép, rô phi…) nên chi phí thức ăn khoảng 1 triệu đồng/ngày.
Trong một lần tìm kiếm thông tin trên mạng, ông Hoàng đã biết đến ruồi lính đen hiệu quả kinh tế mang lại trong chăn nuôi rất khả quan. Ông Hoàng cho biết: “Điều kiện để nuôi ruồi lính đen khá đơn giản, chỉ cần diện tích khoảng 100m2 trong mát, tốt nhất là trong vườn điều có tán rộng. Chi phí ban đầu khoảng 10 triệu đồng, chủ yếu để mua khung, lưới nhốt ruồi mẹ, ruồi trưởng thành, vài vật dụng để ruồi đẻ trứng. Khay đựng ấu trùng cũng có thể tận dụng làm bằng gỗ tạp và một số vật dụng khác”.
Từ khi nuôi ruồi lính đen, mỗi ngày ông Trình Huy Hoàng (bìa trái) thu khoảng 20 - 30kg sâu canxi để nuôi cá lồng, giảm 30% chi phí mua thức ăn cho cá
Ban đầu, ông Hoàng mua ấu trùng với số lượng rất ít (10 gam). Vì chúng dễ nuôi, phát triển nhanh và tỷ lệ sống rất cao. Sau vài lần cho ruồi ấp trứng ông Hoàng đã tự nhân giống. Ấu trùng ruồi lính đen rất phàm ăn, thức ăn chủ yếu là các loại phế phẩm nông nghiệp và xác động vật. Do vậy, chi phí nuôi rất thấp.
Vòng đời của ruồi lính đen diễn ra trong 45 ngày. Trứng ruồi sau 4 ngày tuổi sẽ nở thành ấu trùng. Sau 14 ngày, ấu trùng thành sâu canxi, thành nhộng, rồi lột xác thành ruồi. Sau đó, ruồi đẻ trứng và chết.
Từ khi nuôi ruồi lính đen, nguồn thức ăn cho cá của gia đình ông Hoàng đã được bổ sung từ 20 - 30kg sâu canxi/ngày, lượng cám đã giảm 30%. Sâu canxi chứa nhiều đạm nên chúng là nguồn thức ăn lý tưởng, cá rất thích ăn, mau lớn, phát triển khỏe mạnh. Qua đó, rút ngắn thời gian nuôi.
Mặc dù mới nuôi ruồi lính đen từ tháng 06/2020 nhưng đến nay, ông Hoàng đã có trứng ruồi để bán cho những ai có nhu cầu với giá 15 triệu đồng/kg. Vì sâu canxi dùng làm thức ăn chăn nuôi gia cầm khá chất lượng nên việc tiêu thụ cũng khả quan.
Ông Đinh Văn Hoằng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Liễu cho biết: “Trên địa bàn xã Đức Liễu hiện có 3 nông dân đã phát triển mô hình nuôi ruồi lính đen. Nhận thấy mô hình này có nhiều khả quan về kinh tế nên Hội Nông dân xã đã giải ngân mỗi hộ 10 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư sản xuất”.
Thạc sĩ Bùi Văn Vĩnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đăng cho biết: “Ruồi lính đen là thiên địch của rất nhiều loại côn trùng có hại, góp phần bảo vệ sức khỏe con người và cải thiện chất lượng môi trường sống. Với cách nuôi đơn giản, an toàn, chi phí thấp, không cần nhiều diện tích đất nhưng mang lại nhiều lợi ích kinh tế trong trồng trọt và chăn nuôi. Nông dân có thể tham khảo mô hình này để áp dụng vào điều kiện sản xuất của gia đình một cách phù hợp”.