Muốn đánh bắt xa bờ, ngư dân phải có tàu vỏ thép công suất lớn nên rất cần hỗ trợ vốn ưu đãi của nhà nước.
Nghị định 67 của Chính phủ đáp ứng yêu cầu này và hàng ngàn tỉ đồng đã được cấp cho ngư dân đóng tàu vỏ thép. Khoảng 600 con tàu “67” đã được bàn giao cho ngư dân và số tiền vay mua tàu sẽ được hoàn trả nếu các con tàu này lướt sóng ra khơi xa đều dặn.
Tỉnh Bình Định là địa phương sớm được thực hiện Nghị định 67, đã được vay ưu đãi hàng trăm tỉ đồng của ngân hàng để đóng tàu vỏ thép và mua sắm ngư cụ đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên từ văn bản Nghị định đến con tàu vỏ thép là cả một câu chuyên đáng bàn.
Hãy về Bình Định mà lắng nghe ngư dân phàn nàn, thậm chí kêu cứu về những con tàu không như họ mong muốn từ thiết kế, máy thủy, vỏ tàu, khoang chứa cá đến máy lạnh và thiết bị khác…Vậy nên, bà con nhận tàu ngay chuyến đầu tiên đã trục trặc. Hầu hết các con tàu đều bị hư hỏng vặt, có con tàu hỏng nặng hộp số máy thủy, vỏ tàu han rỉ như tàu cũ đến mức ngư dân không thể sửa chữa.
Bởi vậy, tỉnh Bình Định đã lập đoàn kiểm tra gồm: Sở NN& PTNT tỉnh, Công an, Bội đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản và chính quyền đại phương tiến hành kiểm tra, đánh giá tình hình hư hỏng và yêu cầu bảo hành, sửa chữa 7 tàu cá vỏ thép. Kết quả cho thấy các tàu BĐ 99018 TS, BĐ 99179 TS, BĐ 99027 TS đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đều có vỏ tàu, mặt boong, trang thiết bị trên boong tàu...bị rỉ sét, bong tróc và xuống cấp trầm trọng; két dầu bị hỏng, chảy dầu, đường dẫn nước biển làm mát máy bị hỏng, hỏng máy chính, máy phát điện hoạt động không ổn định, dàn lạnh không ổn định, dàn đèn bị nổ...
Còn 4 tàu BĐ 99279 TS, BĐ 99016 TS, BĐ 99144 TS, BĐ 99086 TS đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) cũng bị hư hỏng vỏ tàu và thân tàu đều bị han rỉ, máy phát điện bị lỗi, hầm bảo quản không tốt, không giữ được lạnh, máy chính bị hỏng hộp số.
Theo phản ánh của ngư dân thì các tàu khác cũng bị tình trạng hư hỏng tương tự nêu trên. Bà con phát hiện việc đóng tàu có nhiều uẩn khúc. Theo thiết kế trong họp đồng vỏ đóng bằng thép Hàn Quốc 6 tháng mới phải bảo dưỡng, nhưng họ dùng thép Trung Quốc rẻ hơn nên mới vài chuyến đi biển vỏ tàu đã rỉ. Đáng lẽ phải lắp máy thủy mới, họ dùng đồ cũ chắp vá.
Điều đáng nói là nhà sản xuất lại đổ “lỗi” cho ngư dân, họ bảo tàu bị hư hỏng một phần do bà con ngư dân sử dụng chưa thành thạo và vỏ tàu rỉ vì nước biển mặn quá.
Vì thế tỉnh Bình Định đang kiên quyết yêu cầu các công ty đóng tàu phải sửa chữa và khắc phục nhanh những hư hỏng miễn phí vì đang thời hạn bảo hành, để sớm bàn giao tàu cho ngư dân khai thác.
Việc làm ăn gian dối chạy theo lợi nhuận trong khi thực hiện Nghị định 67 được cho là có bàn tay của nhóm lợi ích, kiếm chác trên mồ hôi công sức của những người kiêm nhiệm bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Đề nghị Thanh tra, kiểm toán vào làm việc để sơm bịt các lỗ hổng vì Nghị đinh 67 vẫn đang được thực hiện.