Thấy nông dân ương cá tra giống thu lợi vài trăm triệu đồng/ha, lão nông Tư Cách (Nguyễn Văn Cách, ấp Bùi Cũ, Hậu Thanh Đông, Tân Thạnh, Long An) cho đào 1ha đất đang trồng lúa làm ao ương cá tra giống.
Cá tra giống thi nhau chết nổi lều bều trên mặt ao của ông Tư Cách. Ảnh: T.Đ
Dù nhà có Kobe đào đất nhưng ông Tư Cách vẫn mất hơn 100 triệu đồng để đào 2 cái ao ương cá rộng 1ha.
Khoảng chục ngày nay, 2 ao cá tra giống của ông Tư Cách bỗng dưng đổ bệnh, chết hàng loạt, phơi bụng khắp ao. “Đánh” hóa chất cấp tập xuống ao, nhưng tình trạng cá chết vẫn không dừng mà thậm chí còn chết nhiều hơn.
Kỹ thuật viên của công ty cung cấp chế phẩm sinh học xử lý ao kiểm tra cá tra giống chết để tìm nguyên nhân.
“Đây là mùa đầu tui ương cá tra giống. Có biết kinh nghiệm xử lý tình huống cá bệnh đâu. Nghe ai chỉ gì tui làm theo nấy, nhưng cá vẫn chết, chỉ tổ tốn thêm đống tiền”, ông thổ lộ.
Hiện, mấy đứa con ông cứ suốt ngày trên xuồng vớt cá chết để tránh ô nhiễm nguồn nước. Ông Tư Cách cho biết đã đổ xuống ao gần 10 triệu con cá bột.
Tiếc của và nhằm vớt vát số cá giống còn lại, ông Tư Cách đành đến một công chuyên cung cấp giải pháp xử lý chế phẩm vi sinh cho ao cá với giá gần 20 triệu đồng.
“Chúng tui đã thức trắng đêm xử lý ao cá. Họ đảm bảo tình trạng cá chết sẽ chấm dứt sau khi xử lý nước ao”, ông Tư Cách cho biết.
Theo lão nông Tư Cách, hiện trong khu vực ấp, cứ 10 nhà ương cá tra giống thì hết 8 nhà gặp tình trạng cá chết.
“Ấp này, chỉ năm nay đã mọc lên hàng trăm ao ương cá tra giống. Phần lớn hiện đang đối diện với cá chết mà không biết xử lý ra sao”, ông chia sẻ.
Trong khi đó, anh Lê NgọcThắng (xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, Long An) cho biết đã “gãy” 5 vụ cá liên tiếp, lỗ hơn 100 triệu đồng. Theo anh, chi phí ban đầu mỗi đợt thả nuôi từ con giống, thuốc xử lý ao nuôi, xăng dầu,... từ 20-30 triệu đồng/ha ao.
“Giờ đi tới đâu cũng thấy nông dân ương cá than thở cá chết trắng ao. Bọn tui tìm đủ mọi cách cứu cá nhưng vô vọng”, anh than thở.
Theo quan sát, cá có dấu hiệu xuất huyết, thối đuôi, sình bụng và gan thận mủ. Đa số các ao cá nhiễm bệnh có màu nước xanh đậm, đục, tảo phát triển nhiều và nước “keo” (đặc).
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Lo - chủ trại cung cấp cá tra bột (Hồng Ngự, Đồng Tháp), thời điểm này ương cá tra rất dễ bị nhiễm bệnh do thời tiết giao mùa, nóng lạnh thất thường và cũng là mùa bơm sạ lúa. Hiện tượng cá tra giống chết hiện nay có nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do nấm, ký sinh trùng, vi khuẩn và môi trường nước,...
“Bà con nông dân đang xả nước trong ruộng ra để chuẩn bị sạ lúa. Lượng nước xả ra chứa nhiều dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nếu nông dân ương cá lấy nhầm nước này là cầm chắc cá ương sẽ chết. Đa số người nuôi chưa nắm bắt kỹ thuật ương, nhất là phương pháp phòng và trị bệnh hiệu quả”, ông Lo cho biết.
Nhiều ao ương cá tra giống giờ phải có người trực suốt để vớt cá chết tránh gây ô nhiễm thêm môi trường nước trong ao.
Theo TS. Trần Việt Ngân - nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Bình Dương - ADN (đơn vị chuyên cung cấp giải pháp xử lý ao cá bằng chế phẩm vi sinh), hầu hết nông dân ương cá giống hiện nay đều dùng hóa chất xử lý môi trường nước ao.
Điều này không những sẽ phá hết chất dinh dưỡng trong nước, những vi lượng trong nước rất cần cho sự sống và phát triển của cá basa, mà còn sinh ra mầm bệnh cho cá.
Hiện, tỷ lệ đầu cá tra giống nông dân ương đạt chỉ khoảng 5-10%. Và số nông dân thành công với nghề ương cá tra giống cũng chỉ chiếm 20-30%.
Diên tích ao ương vẫn tăng chóng mặt.
Theo nhiều nông dân, mặc dù thời tiết trong vụ này không thuận lợi, rất nhiều ao ương cá bị nhiễm bệnh, nhưng do giá cá ở mức cao, lợi nhuận lớn nên diện tích ao nuôi vẫn tăng chóng mặt.
Do lợi nhuận từ nuôi cá tra giống cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa, chỉ trong thời gian ngắn, nông dân các địa phương vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An (Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường) tự ý chuyển từ đất sản xuất lúa sang đào ao nuôi cá.
Dù ương cá là nghề rủi ro cao, nhưng ao cá vẫn cứ thi nhau mọc lên ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười, Long An.
Theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên môn, hiện có trên 1.500ha đất lúa nông dân chuyển sang nuôi cá tra giống. Trong đó, nhiều nhất là huyện Tân Hưng với hơn 1.000ha, Tân Thạnh hơn 300ha, Vĩnh Hưng gần 100ha,...
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng Nguyễn Hữu Hồng, đến nay, nông dân trong huyện đã đào gần 100ha đất lúa chuyển sang nuôi cá, đa số diện tích này nằm trong quy hoạch của địa phương, trên địa bàn các tuyến kênh lớn như Lò Gạch, Cái Cỏ và sông Vàm Cỏ Tây.
Ông Nguyễn Trí Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh cũng cho biết, chỉ trong thời gian ngắn, nông dân trên địa bàn đã đào hơn 300ha đất lúa chuyển sang nuôi cá tra giống. Địa phương đã khuyến cáo người dân cần thận trọng vì nuôi cá giống rủi ro cao, có nguy cơ thất bại nếu không nắm rõ kỹ thuật.
Con số diện tích ao ương cá sẽ chưa dừng lại vì giá cá tra giống tăng mạnh. Sau khi lũ rút, nhiều nông dân lại tiếp tục đào ao nuôi cá.