Đảo Lý Sơn hay còn gọi là cù lao Ré thuộc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 25 km. Theo các vị cao niên trên đảo, có tên gọi như vậy là vì xưa kia trên đảo có rất nhiều cây ré. Vỏ cây ré dùng để buộc đồ rất bền.
Huyện đảo Lý Sơn có diện tích 9,97 km², gồm 3 đảo là đảo Lớn (Lý Sơn, cù lao Ré), đảo Bé (cù lao Bờ Bãi) ở phía Bắc đảo Lớn, và hòn Mù Cu ở phía Đông của đảo Lớn, dân số nơi đây hơn 20.460 người và có đến gần 100 di tích với một quần thể các đền, chùa, miếu mạo, những ngôi mộ gió của các chiến binh Hoàng Sa một thời giong buồm ra khơi giữ gìn chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, song có lẽ nhờ ở xa đất liền, ít bị ảnh hưởng của việc tu bổ, tôn tạo di tích theo kiểu ăn xổi nên hầu hết các di tích của Lý Sơn như chùa Hang, chùa Đục, đình làng Lý Hải, quần thể di tích Âm Linh Tự, nghĩa trang lính Hoàng Sa... vẫn còn nguyên vẹn, ít bị xâm hại.
Chỉ có một phương tiện duy nhất để ra đảo là tàu cao tốc, song không phải là tàu chuyên chở khách mà là tàu chợ (chở cả người lẫn đồ đạc, thức ăn) và mỗi ngày chỉ có một chuyến. Mặc dù hơi bất tiện nhưng bù lại du khách sẽ được thoả thích ngắm cái xanh ngan ngát của nước biển, xanh thẳm của bầu trời như hoà làm một, ngắm những chú cá bạc thỉnh thoảng bị tốc độ của tàu đánh vọt lên cao.
Các món ăn của người dân Lý Sơn mang nhiều hương vị đặc trưng của biển (như món gỏi rong biển, món cá chình xào với các loại rau và một số loại ốc mà đảo khác không có). Ngoài ra, món dưa hấu ở Lý Sơn cũng được nhiều người biết đến. Dưa ở đây quả nhỏ và có vị ngọt riêng. Người dân Lý Sơn thường gọi loại dưa hấu này là dưa An Tiêm. Nhưng thứ nổi tiếng nhất ở Lý Sơn vẫn là tỏi, tỏi ở đây được trồng trên cát hút từ dưới biển lên. Tép tỏi nhỏ và thơm hơn nhiều so với tỏi trồng ở nơi khác.
Đến Lý Sơn, du khách có thể mải mê khám phá chùa Hang, chùa Đục, hang Câu, miếu bà Chúa Ngọc, đình làng An Hải, dinh Bà Roi, giếng Vua, miệng Núi lửa, Âm Linh Tự và một số ngôi mộ cổ. Nổi tiếng nhất là chùa Hang, đây là hang động lớn nhất đảo dùng để thờ Phật, nó được tạo thành từ thế kỉ 16 từ một vách đá dựng đứng cao gần 20m ở ngọn Thới Lới, do nước biển xâm thực. Hang có bề ngang 30m ăn sâu vào núi trên 25m theo kiểu hàm ếch.