Giám đốc điều hành Tập đoàn Công nghệ sinh học Johor, tiến sỹ Haris Salleh cho biết dự án nuôi trồng thủy sản nhiều triệu ringgit ở Thung lũng công nghệ sinh học Johor đã được lên kế hoạch với một trường đại học của Nga.
Ông cho biết tập đoàn này đã ký một Biên bản ghi nhớ (MoU) với Đại học St Petersburg của Nga để thực hiện các nghiên cứu về nuôi cá tầm trắng ở đây. Theo thỏa thuận này, phía Nga sẽ hỗ trợ về giống và công nghệ cho đối tác Malaysia.
Đầu tư ban đầu cho dự án này sẽ mất khoảng 20 triệu RM (khoảng 6,45 triệu USD) và khi đi vào hoạt động dự kiến chi phí có thể lên đến 80 triệu RM.
Tiến sỹ Haris, cũng là cố vấn cho Thủ hiến bang Johor, cho biết tiểu bang này hy vọng sẽ theo bước chân của Trung Quốc và Việt Nam khi đầu tư vào ngành này.
Theo dự án, loài cá có nguồn gốc từ Trung Á và Ukraine này sẽ được nuôi trong các hồ chứa hệ thống nước tái chế ở Thung lũng công nghệ sinh học Johor.
Ông nói rằng trong tự nhiên, thường phải mất khoảng 20 năm để cá tầm trắng có thể cung cấp được lượng trứng cần thiết và chỉ được dành phục vụ cho các Nga hoàng. Tuy nhiên, với việc nuôi trồng hiện nay, cá chỉ mất năm năm để cho trứng và được lấy qua phẫu thuật.
Hiện trên thị trường trứng cá tầm muối có giá từ 20.000 đến 25.000 RM/kg (khoảng 140.000 đến 150.00 đồng/kg).
Bên cạnh cá tầm, tiến sỹ Haris cho biết Thung lũng công nghệ sinh học Johor cũng sẽ nuôi trai khổng lồ, cá mú, tôm thẻ chân trắng, hải sâm và cá ngựa.
Thung lũng công nghệ sinh học Johor là một dự án lớn nằm trên một khu vực rộng 3.642ha. Đến nay, thung lũng này đã thu hút được hơn 350 triệu RM đầu tư và dự kiến sẽ mang lại các sản phẩm có giá trị hơn 1 tỷ RM vào năm 2020.