Theo Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung, thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, kết quả quan trắc, môi trường nước cấp cho vùng nuôi và sản xuất tôm nước lợ, nuôi tôm hùm và cá biển ở các xã Xuân Hải, Xuân Hòa, TX Sông Cầu (Phú Yên) từ ngày 6 - 7/9/2019 cho thấy: Hầu hết các thông số chất lượng nước cơ bản đều nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép đối với nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên một số yếu tố môi trường vượt ngưỡng cho phép, cụ thể mật độ vi khuẩn vibrio tổng số dao động từ 3,5 x 102 – 1,1 x 104 cfu/ml, vượt ngưỡng cho phép tại phép tại 2 điểm trong đầm Cù Mông gồm điểm gần chân Cầu Bình Phú (3,5 x 103 cfu/ml) và thôn 1, xã Xuân Hải (1,1 x 104 cfu/ml).
Bên cạnh đó, kết quả quan trắc còn phát hiện 2/6 (chiếm 33,3%) mẫu nước quan trắc có V. parahaemolyticus (mẫu nước ở Cầu Bình Phú và thôn 1 xã Xuân Hải) và tảo Peridinium sp. có mật độ từ 830 - 2.200 tế bào/lít và tảo Euglena sp. có mật độ từ 750 - 1.200 tế bào/lít tại các điểm quan trắc nằm trong đầm Cù Mông.
“So với kết quả quan trắc cuối tháng 8/2019, mật độ vi khuẩn vibrio có xu hướng tăng, đồng thời có sự xuất hiện của vi khuẩn V. parahaemolyticus. Nguyên nhân có thể do thời tiết bước vào thời điểm giao mùa giữa mùa khô, mùa mưa, cộng với những cơn áp thấp nhiệt đới, mưa, bão đan xen với thời tiết nắng gắt đã làm cho các yếu tố môi trường thay đổi, tạo điều kiện cho một số loài vi khuẩn gây bệnh phát triển”, báo cáo kết quả quan trắc nêu rõ.
Trước tình hình trên, để chủ động quản lý tốt ao nuôi, lồng bè nuôi trong giai đoạn giao mùa, hạn chế những tác động xấu do biến động thời tiết, xáo trộn môi trường giai đoạn đầu mùa mưa gây ra, Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung khuyến cáo người nuôi thủy sản cần áp dụng các biện pháp sau đây để ổn định môi trường và nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi.
Cụ thể, không lấy nước trực tiếp từ các kênh mương cấp trong thời điểm hiện nay, cần khử trùng nước cấp vào ao nuôi nhằm loại bỏ vi khuẩn vibrio, nhất là vi khuẩn V. Parahaemolyticus. Theo dõi tình hình thời tiết, chuẩn bị các vật tư cần thiết (vôi, khoáng, vitamin C, chế phẩm sinh học) để có biện pháp xử lý môi trường kịp thời và có hiệu quả. Chủ động bón vôi xung quanh bờ ao trước và sau khi mưa lớn; kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi (pH, độ mặn, độ kiềm), nếu có thay đổi cần điều chỉnh hợp lý.
Lưu ý gia cố bờ ao, cống nước, và xả bớt nước tầng mặt khi trời mưa lớn để tránh hiện tượng độ mặn giảm đột ngột hoặc tràn cống gây thất thoát tôm nuôi.
Bên cạnh đó, tăng cường hệ thống quạt nước, sục khí để tránh thiếu oxy và phân tầng oxy trong ao nuôi; định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học nhằm ổn định môi trường, hạn chế khí độc trong ao nuôi.
Khi trời có dấu hiệu mưa lớn cần giảm lượng thức ăn hoặc ngừng cho tôm ăn. Theo dõi sức khỏe tôm nuôi bằng cách quan sát phản ứng, màu sắc, đường ruột, gan tụy và phân tôm hàng ngày cùng với việc kiểm tra sàng ăn để có biện pháp xử lý kịp thời. Bổ sung vitamin và khoáng chất vào thức ăn nhằm tăng cường sức đề kháng chủ động phòng bệnh cho tôm nuôi.
Đối với nuôi tôm hùm, người nuôi không đặt lồng nuôi gần bờ hay sát đáy, thường xuyên vệ sinh lồng nuôi tránh bị rong rêu, hàu, hà bám làm bít lỗ lưới; lựa chọn thức ăn tươi, bảo quản tốt, sát trùng thức ăn tươi bằng thuốc tím (5ppm trong 15 phút) trước khi cho tôm hùm ăn.
Khi có mưa dông cần giảm lượng thức ăn cho tôm hùm nuôi, bổ sung chế phẩm sinh học nhằm cải thiện hệ men đường ruột tôm hùm nuôi. Ngoài ra, cần theo dõi, kiểm tra sức khỏe tôm hùm hàng ngày cùng lúc với việc thu gom thức ăn thừa, vỏ tôm lột. Nếu phát hiện tôm bệnh (yếu, tách khỏi đàn) cần cách ly để điều trị tích cực hay tiêu hủy nhằm ngăn chặn lây lan bệnh.