Diễn đàn có sự tham gia của đại diện tám tỉnh là Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang và các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Để thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững, tạo sản phẩm xã hội góp phần đảm bảo an ninh thực phẩm, từng bước tạo nguồn hàng thủy sản xuất khẩu, các đại biểu đã kiến nghị tăng mức hỗ trợ đầu tư, hoàn thiện cơ chế pháp lý, củng cố tổ chức và triển khai rộng rãi công tác xã hội hóa... Việc phát triển nuôi trồng thủy sản phải gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.
Theo đại diện Vụ Nuôi trồng thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), khu vực miền núi phía Bắc có tiềm năng phát triển thủy sản lớn với nhiều hồ chứa và ao, sông suối. Tuy nhiên, nghề nuôi trồng thủy sản ở các địa phương vẫn phát triển chậm, chưa tận dụng và phát huy hết tiềm năng của vùng.
Diện tích nuôi trồng thủy sản đưa vào sử dụng chiếm trung bình 47% tổng diện tích tiềm năng. Diện tích và sản lượng thủy sản nuôi có xu hướng tăng lên, nhưng chưa hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản phẩm nuôi trồng thủy sản chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong vùng. Số lượng giống mà 47 trại giống ở khu vực miền núi phía Bắc cung cấp cho thị trường đáp ứng khoảng 25% nhu cầu, còn lại được chuyển từ các địa phương khác.
Phần lớn diện tích nuôi trồng thủy sản được nuôi theo hình thức nuôi ghép các loài như cá mè, trôi, chép. Bên cạnh đó còn một số diện tích nuôi đơn loài như tôm càng xanh, cá rô phi đơn tính, ba ba nhưng quy mô nhỏ, nguồn vốn đầu tư thấp, năng suất và sản lượng chưa cao. Hình thức nuôi kết hợp vườn-ao-chuồng (VAC) vẫn được duy trì và áp dụng khá phổ biến ở khu vực miền núi phía Bắc nhằm tận dụng mọi nguồn tài nguyên có sẵn, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người nuôi.
Đại diện Trung tâm khuyến nông quốc gia cho rằng, một trong những lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản của các tỉnh miền núi phía Bắc là diện tích mặt nước hồ chứa lớn như hồ Thác Bà (Yên Bái) rộng khoảng 19.000ha, hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) rộng khoảng 19.000ha, hồ Sông Đà (địa phận Hòa Bình rộng 8.000ha và địa phận Sơn La rộng 7.900ha), hồ Cấm Sơn (Bắc Giang) rộng 2.700ha...
Cùng với việc thả cá giống, các địa phương đã sử dụng phương pháp đặt lồng, bè nuôi thủy sản nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại các hồ lớn này. Sản lượng nuôi trồng thủy sản cả nước đạt hơn 1,3 triệu tấn thì sản lượng nuôi của 14 tỉnh miền núi phía Bắc đạt hơn 73.000 tấn (trong đó nhiều tỉnh đạt sản lượng hơn 5.000 tấn như Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái).
Tuy nhiên, đối tượng nuôi chủ yếu vẫn là các loài nuôi truyền thống có giá trị kinh tế thấp, sản phẩm sản xuất ra chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng bản địa. Một số loài có giá trị kinh tế cao nhưng chưa được phát triển mạnh, chưa có hàng hóa cho chế biến và xuất khẩu./.