Nhưng mô hình mới cho người nghèo
Nghề nuôi tôm, nuôi cá tra một thời rất được người dân ở Bạc Liêu đầu tư sản xuất. Thực tế cũng đã có nhiều gia đình thoát nghèo và trở nên khá giả, giàu có từ nghề này. Càng về sau nghề nuôi tôm càng gặp nhiều rủi ro, cùng với đó môi trường bị ảnh hưởng nặng nề do quá trình nuôi tôm gây ra. Đây là áp lực rất lớn với người sản xuất nông nghiệp, vì sau khi nuôi tôm, đất bị nhiễm mặn, nhiễm hoá chất rất khó cho việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thay thế.
Anh Nguyễn Thanh Tùng ở xã An Trạch – Đông Hải, có 2 ha đất nuôi tôm quảng canh, tôm bị bệnh suốt nên thu nhập thấp, đời sống gia đình khó khăn. Gần đây anh cải tạo lại ao, đầu tư nuôi cua kết hợp với cá chẽm thương phẩm. Anh Tùng thả trên 1.000 con cua giống, cua phát triển tốt. Sau 4 tháng gia đình anh đã thu lãi khoảng 25 triệu đồng. Theo anh Tùng, đây là mô hình dễ thực hiện do chi phí thấp so với nuôi tôm, ít rủi ro và cho lợi nhuận cao.
Với mô hình nuôi cua biển, nó hội tụ gần như đầy đủ các yếu tố cần và đủ. Hệ thống ao nuôi có sẵn, nông dân không cần chi phí xây dựng, kỹ thuật nuôi cua đơn giản hơn, nguồn cua giống dồi dào, đặc biệt là không phải sử dụng các loại hoá chất trong suốt quy trình nuôi. Cùng với đó, nguồn thức ăn có sẵn từ tự nhiên là cá biển giúp người nuôi giảm tối đa chi phí và không lệ thuộc vào thức ăn công nghiệp. Về giá thì giá cua cao hơn tôm từ 2 đến 3 lần và luôn ổn định.
Những mô hình trên đây không mới nhưng sẽ là gợi ý tốt cho người nuôi nếu trong điều kiện ít vốn và khi nuôi tôm suy thoái kém hiệu quả.