Tại tỉnh Nam Định đã có nhiều hình thức nuôi tôm thích ứng với biến đổi khí hậu được áp dụng thành công như nuôi tôm thẻ chân trắng thích ứng với biến đổi khí hậu thuộc dự án “Rừng và đồng bằng Việt Nam” do cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ tại các xã Giao Thiện, Bạch Long… (Giao Thủy).
Đó là mô hình nuôi cá kết hợp với nuôi tôm thẻ chân trắng của người dân các xã Xuân Hòa, Xuân Vinh (Xuân Trường), mô hình nuôi tôm - lúa ứng phó với biến đổi khí hậu ở một số xã ở các huyện ven biển Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng. Hộ ông Trần Thanh Năm, xã Xuân Vinh (Xuân Trường) đang thực hiện mô hình nuôi quảng canh cải tiến, kết hợp nuôi tôm thẻ chân trắng với cá trắm đen. Thời điểm này, ông Năm đang tiến hành thu tỉa thả bù tôm.
Thu hoạch tôm từ mô hình nuôi cá trắm kết hợp tôm thẻ chân trắng của gia đình ông Trần Thanh Năm, xã Xuân Vinh (Xuân Trường).
Qua quá trình thực hiện mô hình ông Năm cho biết: “Khi nuôi xen canh tôm thẻ chân trắng và cá trắm đen thì 2 đối tượng này sẽ hỗ trợ lẫn nhau để phát triển tốt, giảm thiểu dịch bệnh, môi trường nuôi cũng sạch hơn vì nếu tôm bị dịch bệnh yếu thì cá sẽ tiêu diệt con tôm bệnh khiến dịch bệnh không thể lây lan rộng. Bên cạnh đó, thức ăn thừa của tôm và chất thải cũng sẽ được cá trắm dọn sạch giúp đảm bảo môi trường nước. Mật độ nuôi mỗi đối tượng đều giảm xuống giúp cả tôm và cá nhanh lớn hơn, giảm chi phí sản xuất. Từ ngày thực hiện mô hình này tôi không còn lo tôm, cá bị dịch bệnh nhiều như trước kia”. Ông còn cho biết thêm, các cán bộ kỹ thuật thủy sản thường xuyên hỗ trợ theo dõi tình hình phát triển của mô hình, hướng dẫn cách thức dùng thuốc để phòng, chữa bệnh cho tôm, cá và các quy trình kỹ thuật cải tạo ao nuôi nên người nuôi cũng yên tâm hơn rất nhiều.
Mô hình nuôi tôm - lúa cũng không còn quá mới lạ đối với người dân nhưng chưa nhiều người thực hiện. Đây là mô hình canh tác có tính thân thiện với môi trường cao hơn các hệ thống chuyên canh vì người nuôi dễ dàng quản lý hơn. Hộ ông Phạm Văn Minh, xóm 3, HTX Nam Hải, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) là một trong những hộ mạnh dạn thực hiện mô hình này và đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Ông Minh cho biết: “Sau một vụ tôm, các chất thải được cây lúa chuyển hóa và hấp thụ, góp phần hạn chế lượng phân bón, thuốc trừ sâu trong giai đoạn đầu. Ngược lại, sau một vụ lúa, các loại rơm rạ đã phân hủy tạo môi trường sống và nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm trong vụ nuôi tiếp. Tuy nuôi tôm theo mô hình này hiệu quả sản lượng không cao như nuôi tôm công nghiệp nhưng lại an toàn hơn, góp phần giảm thiểu chi phí sản xuất cho người nuôi”.
Còn đối với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thích ứng với biến đổi khí hậu thì trước tiên các hộ nuôi cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật như máy quạt nước, máy bơm, dụng cụ đo kiểm môi trường và một số dụng cụ thiết yếu khác. Hệ thống ao nuôi được thiết kế xây dựng bảo đảm tiêu chuẩn, nguồn nước phải đạt yêu cầu chất lượng, khu nuôi có đầy đủ ao lắng, kênh thoát. Bên cạnh đó, điều quan trọng người nuôi phải chú ý thực hiện nuôi thả tôm đúng thời vụ, chọn giống tôm khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng.
Ông Trần Hữu Lợi, xóm Tân Hồng, Giao Thiện (Giao Thủy) là hộ thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu thuộc dự án Rừng và đồng bằng Việt Nam đạt kết quả tốt. Với 2ha ao nuôi tôm theo kỹ thuật được chuyển giao, ông cho biết từ ngày thực hiện mô hình này, việc nuôi tôm của gia đình ông thành công hơn nhiều so với những năm trước. Đến thời điểm này, đàn tôm đã đạt kích cỡ có thể xuất bán và không bị dịch bệnh.