Thiết bị lấy mẫu nước đặt cố định trong ao, sẽ liên tục truyền tín hiệu về bộ điều khiển, theo đó các thông số về lượng oxy hòa tan và nhiệt độ nước sẽ hiện trên màn hình máy, để người nuôi tôm có thể kiểm tra bất cứ lúc nào. Nếu hai thông số quan trọng này vượt ngưỡng cho phép, máy sẽ báo động, đồng thời bật hệ thống tạo oxy tạm thời, giúp người nuôi tôm kịp thời xử lý. Nhờ vậy, sau vài tuần được hỗ trợ lắp đặt hệ thống này, ông Lâm Minh Lớn ở xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên hoàn toàn yên tâm vì kiểm soát được môi trường trong ao nuôi, mà không cần đo bằng thủ công 1 ngày vài lần như trước. Hiện tôm nuôi đã hơn 45 ngày tuổi, phát triển tốt. Ông cho biết, máy chạy 24/24, không tốn nhiều điện, giá thành mỗi hệ thống khoảng 40 triệu đồng, nếu so với lợi nhuận sau mỗi vụ tôm, đây là mức đầu tư xứng đáng mà người nuôi tôm nên tính đến.
Mô hình ao nuôi
Mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn ở những khu vực nuôi tôm thâm canh, giai đoạn nuôi tôm trong ao ương đòi hỏi người nuôi phải chuẩn bị chu đáo về thiết kế ao, hệ thống cung cấp oxy, xử lý chất thải cũng như kỹ thuật ương dưỡng sau khi thả giống, vì tôm còn nhỏ và nuôi với mật độ dày. Điều này cần chi phí lớn, mà những hộ nuôi có điều kiện mới làm được, do đó hiện mô hình chưa được áp dụng nhiều trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nếu áp dụng được, tỉ lệ nuôi tôm thành công sẽ rất cao. Một số HTX như HTX Hưng Phú ở huyện Cù Lao Dung, HTX Hòa Nghĩa ở thị xã Vĩnh Châu… đã mấy năm nuôi tôm thắng lợi nhờ mô hình này. Riêng ở vùng tôm lúa Mỹ Xuyên, bà con có điều kiện tự nhiên để áp dụng mô hình này dễ dàng và ít tốn kém hơn. Thạc sĩ Võ Văn Bé, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Quy trình kỹ thuật mà Ngành khuyến cáo trong nuôi tôm 2 giai đoạn là người nuôi chọn từ 1 đến 2 công để thả tôm vào đó khoảng 1 tháng, sau đó mới san ra. Cách làm này rất hiệu quả vì giúp tôm giai đọan đầu rất mẫn cảm với bệnh vượt qua được rủi ro, như vậy hiệu quả sẽ cao hơn”.
Quạt nước tạo oxy
Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với người nuôi tôm Sóc Trăng ngay từ năm 2016 đã có tín hiệu lạc quan, với số lượng các tổ chức ký kết hợp đồng tăng lên. Trong đó doanh nghiệp chế biến ưu tiên cho HTX, THT được chứng nhận VietGAP, giá thu mua và hình thức ký kết cũng ưu đãi hơn. Đây là chuỗi mô hình mà Ngành Nông nghiệp định hướng cho nghề nuôi tôm năm nay. Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết: “Chi cục tập trung vào công tác liên kết, tổ chức lại sản xuất. Hiện ở Sóc Trăng đã triển khai được 14 hợp đồng liên kết đầu vào và 11 HTX, THT liên kết với công ty Thủy sản sạch và công ty Stapimex để đảm bảo sản phẩm đầu ra an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu”.
Quản lí ao nuôi
Riêng mô hình nuôi nước trước nuôi tôm thì hầu như các hộ nuôi tôm ở Sóc Trăng đều áp dụng. Trong tổng diện tích ao nuôi, bà con dành ít nhất 30% làm ao lắng, trữ và xử lý nước bằng chế phẩm vi sinh hoặc nuôi cá rô phi, sau đó mới cấp qua ao nuôi tôm. Ngoài ra, nuôi tôm theo hệ thống tuần hoàn khép kín, nuôi bằng chế phẩm vi sinh, nuôi theo hướng Bioflo hoặc nuôi tôm trong nhà kính… là những công nghệ nuôi tôm tiến tiến được định hình và đang có hướng phổ biến ở Sóc Trăng, góp phần nâng tầm giá trị con tôm Việt Nam trên thương trường.