Giá Rai là vùng đất trẻ nằm trên bán đảo Cà Mau, có diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản chiếm trên 70 % diện tích đất nông nghiệp. Ở xã Phong Thạnh A, trước đây đa số các hộ đều nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh cải tiến và kết hợp thả thêm một số đối tượng khác như cua biển, cá…
Theo ông Lê Hoàng Bảo – Phó Trưởng phòng kinh tế Thị xã Giá Rai, tôm sú được thả nuôi gần như quanh năm, mùa vụ chính vào mùa khô từ tháng 12 năm trước đến tháng 8 năm sau. Một số hộ có trồng lúa vào mùa mưa, nhưng trồng lúa trên đất tôm đạt hiệu quả không cao do thời tiết nắng nóng, mưa ít, thiếu nước ngọt.
Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn, ông Lê Hoàng Nghĩa, người dân xã Phong Thạnh A cho biết, từ trước đến nay, gia đình ông chủ yếu chỉ nuôi tôm sú bằng cách thả tràn lan, liên tục, theo kinh nghiệm là chính. Vì vậy, hiệu quả không cao, lợi nhuận thu về chỉ khoảng 16 - 20 triệu/ha, có năm mất gần hết nếu thời tiết không thuận lợi hoặc bị dịch bệnh.
Hiệu quả từ mô hình thí điểm
PGS.TS. Dương Nhựt Long – Trưởng Bộ môn Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ, chủ nhiệm dự án cho biết, dự án do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bạc Liêu cấp kinh phí, được thực hiện làm cơ sở khoa học cho việc phát triển đa dạng đối tượng cùng mô hình nuôi, hình thành qui trình kỹ thuật xây dựng mô hình thích hợp với điều kiện của địa phương. Từ đó, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và lợi nhuận mang lại cho người dân ở vùng nông thôn thị xã Giá Rai.
Theo TS. Long, mô hình nuôi thủy sản kết hợp trồng lúa là một trong những mô hình truyền thống của các nông hộ tỉnh Bạc Liêu nên việc chăm sóc, quản lý ao nuôi có nhiều thuận lợi do người dân đã có sẵn kinh nghiệm. Bên cạnh đó, điều kiện đất đai và thời tiết ở Bạc Liêu khá phù hợp cho nuôi tôm càng xanh xen canh lúa trong mùa mưa và nuôi tôm sú luân canh trong mùa khô. Người dân có thể tận dụng được diện tích mặt nước và thức ăn tự nhiên sẵn có trong ruộng lúa để phát triển mô hình và tăng thêm thu nhập.
Sau hai năm triển khai dự án, hiệu quả một số mô hình được thể hiện rõ rệt so với trước đây. Mô hình tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa, lợi nhuận 7 – 12 triệu đồng/ha; tôm sú quảng canh cải tiến, lợi nhuận 65 – 180 triệu đồng/ha; tôm càng xanh bán thâm canh, lợi nhuận 13 – 64 triệu đồng/ha; tôm càng xanh kết hợp với tôm sú trên nền đất trồng lúa lợi nhuận 4 – 16 triệu đồng/ha.
Ông Bảo cho biết thêm, trong quá trình triển khai dự án có triển khai song song hỗ trợ chế phẩm sinh học EM cho nông dân. Qua vụ nuôi cho thấy năng suất bình quân cao hơn những năm trước (có 02 hộ năng suất đạt 750 kg/ha tương đương 190 triệu đồng).
Đa số hộ dân nhận xét về hiệu quả của dự án và sau khi sử dụng chế phẩm sinh học EM thì môi trường ao nuôi sạch hơn, tôm lớn nhanh, màu sắc tôm khi thu hoạch tốt hơn, không bị đóng rong và năng suất cũng cao hơn những năm trước.
Cần tiếp tục được hỗ trợ
Sau khi được dự án hỗ trợ, gia đình ông Ông Lê Hoàng Nghĩa triển khai hai mô hình tôm sú quảng canh cải tiến và mô hình nuôi tôm càng xanh kết hợp với tôm sú trên nền đất trồng lúa thì lợi nhuận đã tăng gấp 6 lần so với trước đây, đạt gần 100 triệu/ha.
Còn ông Đoàn Thanh Tùng, một hộ nông dân cũng tham gia dự án cho biết, sau khi thực hiện các mô hình, lợi nhuận gia đình ông thu về đã cao hơn 50 triệu/ha so với trước đây.
Tuy nhiên, hiện nay, người dân còn dè dặt và chưa tự tin áp dụng mô hình mới thí điểm hiệu quả. Ông Tùng cho rằng, nếu tự đầu tư thì các hộ phải bỏ chi phí ra quá lớn, nhưng không chắc chắn cho kết quả bởi nuôi tôm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu được hỗ trợ sẽ chia sẻ bớt rủi ro và giảm gánh nặng chi phí ban đầu cho người dân.
TS. Long cho rằng, tuy người dân trong vùng có nhiều kinh nghiệm với mô hình nuôi tôm trong ruộng lúa dưới dạng truyền thống, nhưng ở những năm đầu mới chuyển đổi phương thức canh tác, người dân còn gặp rất nhiều khó khăn về vốn, thuỷ lợi, khoa học kỹ thuật.
Do mới chuyển đổi, đối tượng và phương thức canh tác mới đối với người dân, hệ thống cấp thoát nước có nơi chưa đảm bảo, thời tiết biến động bất thường, dịch bệnh tôm liên tục xảy ra, thiếu kỹ thuật và kinh nghiệm trong xử lý từ thực tiễn sản xuất…, dẫn đến rủi ro trong nghề nuôi tôm khá cao, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Đây cũng là nguyên nhân khiến người dân còn dè dặt nếu tự triển khai các mô hình trên mà không có sự hỗ trợ từ nhà nước.
Vì vậy, theo TS. Long, chính quyền địa phương cùng các cơ quan quản lý cần tiếp tục hỗ trợ thêm về vốn, kỹ thuật để đẩy mạnh, triển khai phát triển có hiệu quả các mô hình, góp phần nâng cao năng suất, lợi nhuận cho người.
Hướng dẫn cho người dân xử lý vi sinh cho ao nuôi tôm
Hiện Ủy Ban Nhân Dân (UBND) thị xã Giá Rai có chủ trương tiếp tục định hướng cho người dân ấp 18, xã Phong Thạnh A sản xuất theo những phương thức, mô hình có hiệu quả trong ô đê bao khép kín. UBND thị xã chỉ đạo các ngành chuyên môn làm cầu nối giữa người dân với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực KH&CN tập huấn cho nông dân, tạo điều kiện cho người dân tiếp tục sử dụng chế phẩm sinh học EM trong những năm sau và nhân rộng cho người dân bên ngoài khu ô đê bao.
Đồng thời, huyện thành lập Tổ hợp tác Thành Công 1 tại ấp 18, xã Phong Thạnh A, tổ chức sản xuất Nuôi trồng sản xuất bền vững theo hình thức liên kết 4 nhà. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng dự kiến phối hợp với Công ty Âu Vững Seafood xây dựng thương hiệu tôm sạch đạt chứng nhận ASC của tổ chức Hội đồng quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC) từ tháng 6/2016 – 6/2019 của vùng.
Tuy nhiên, để mô hình tiếp tục được nhân rộng có hiệu quả, UBND Thị xã Giá Rai đề xuất Sở KH&CN Bạc Liêu cho phép xây dựng và cấp kinh phí đề án hỗ trợ chế phẩm sinh học EM giai đoạn 2 để mở rộng quy mô gồm cả trong và ngoài ô đê bao khép kín ở xã Phong Thạnh A với diện tích khoảng 200 ha. Cùng với đó, UBND thị xã cũng đề xuất Hội đồng KH&CN tỉnh Bạc Liêu xây dựng đề cương và phê duyệt “Dự án xây dựng mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến sử dụng chế phẩm sinh học ở xã Tân Phong và Tân Thạnh” trong những năm tiếp theo, nhằm từng bước xây dựng các vùng nuôi tập trung theo hướng thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm sạch có giá trị gia tăng cao hơn so với hiện nay.