Cá bống giàu protein, ít chất béo, có các vitamin B2, D, E, PP và chất khoáng Ca, P, Fe, S, Fe, P, Ca. Theo Đông y, cá bống vị ngọt mặn, tính bình, vào tỳ vị, can thận. Có tác dụng kiện tỳ ích khí, hòa vị, bổ can thận, cường kiện cân cốt, hành huyết mạch, tiêu tích trệ, lợi thủy, an thai. Dùng cho trường hợp cơ thể suy kiệt, yếu mỏi tay chân, ho suyễn, tiêu hóa kém. Xin giới thiệu một số món ăn - bài thuốc từ cá bống.
Canh cá bống: cá bống 200 - 300g. Cá làm sạch, bỏ ruột, thêm nghệ giã nhỏ, hành hoa cắt đoạn và gia vị thích hợp, nấu canh, ăn thường ngày. Bổ tỳ vị, dùng cho người ăn kém gầy còm, đầy bụng lâu tiêu, tay chân yếu mệt.
Cá bống kho tiêu: cá bống 500 - 1.000g. Cá làm sạch bỏ ruột, kho với nghệ, riềng, xả, bột tiêu. Dùng cho người cao tuổi, phụ nữ sau sinh, người suy nhược cơ thể do lao lực, sau ốm dài ngày.
Canh cá bống sâm kỳ: cá bống 500g, hoàng kỳ 15g, đảng sâm 15g, sơn dược 30g. Cá làm sạch bỏ ruột; nấu cùng dược liệu, thêm gia vị phù hợp. Dùng cho các trường hợp tỳ hư thở gấp, mệt mỏi, ăn kém, sau khi ăn đầy trướng bụng, sa tử cung, trực tràng...
Cá bống kho tiêu gừng: cá bống làm sạch, thêm gừng tươi, tiêu ớt, gia vị, kho khô. Dùng cho người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc sau sinh; các trường hợp ăn kém, chậm tiêu, tiêu chảy, kiết lỵ.
Canh cá bống khổ qua: Cá bống 250 - 1.000g, khổ qua 200 - 250g, khế chua 60g (nếu có). Cá làm sạch, khổ qua thái lát, khế chua thái lát, thêm nghệ giã nát, hành sống, gia vị nấu dạng canh riêu.
Dùng cho người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc sau sinh; các trường hợp ăn kém, chậm tiêu, tiêu chảy, kiết lỵ...
Kiêng kỵ: Không nên ăn nhiều cá bống dễ sinh đàm trợ nhiệt.