Sóng to, gió lớn, màn đêm trên biển đen kịt không ngăn nổi những ngư dân vùng biển Hải Hậu (Nam Định) đưa thuyền ra khơi. Ngay sau Tết, người dân đã tấp nập bám ngư trường đánh bắt, thuyền về cá tôm đầy khoang. Những gương mặt ánh lên hy vọng, mong một năm tôm nặng cá đầy dù còn bao vất vả, hiểm nguy.
Bám thuyền, bám biển
Gió mùa đông bắc tràn về, biển động dữ dội, từng đợt sóng đánh vào bờ kè tung bọt trắng xóa. Ngồi trên bãi neo đậu gỡ lưới cùng vợ, ông Bùi Văn Thu ở khu 3, thị trấn Thịnh Long (huyện Hải Hậu) trầm ngâm bảo, sóng to nước lớn thế này mà đánh xa là ăn lắm.
50 năm tuổi đời, hơn 20 năm tuổi nghề, nước da của ông Thu đen sạm vì nắng gió, cái giọng ồm ồm, đúng kiểu ăn sóng, nói gió. Mùng 2 Tết, vợ chồng ông đã chuẩn bị đồ nghề ra khơi, gọi là mở biển lấy ngày. 2h sáng, khi trước mặt vẫn là màn đêm đặc quánh, đầu đội đèn pin, ông dò dẫm lên thuyền cùng khoảng chục cheo lưới. Vì thuyền nhỏ, lại đi một mình, lão ngư chỉ dám đánh bắt cách bờ gần chục hải lý, cuối buổi chiều đã quay về đất liền.
Chuyến đi biển đầu tiên, ông Thu đánh được vài cân ghẹ, dăm cân đam đam (một loại cua biển), bán được gần 500 nghìn đồng. Nghỉ ngơi một hôm, mùng 4, ông lại lên đường. Lần này khá hơn, ngoài ghẹ, đam đam, ít tôm thuyền, lưới còn dính thêm chú cá kiềng nặng 3 kg. Đây là loại cá thịt rất ngon, lái buôn săn lùng từng con để mua.
Ông Trần Văn Cường (cùng khu 3), bảo, 3 người con của ông, mùng 2 Tết đã lênh đênh cùng 3 thuyền gỗ trên biển. Vì vươn khơi xa hơn, lượng tôm cá gia đình ông Cường kiếm được cũng nhiều hơn. Có tàu trúng cả tạ cá, ghẹ, đem về số tiền không nhỏ. Trừ chi phí, một ngày công còn được trên 1 triệu đồng.
Trở về sau một chuyến đi biển
Anh Nguyễn Văn Vân ở khu 17, thị trấn Thịnh Long cho biết, mùng 2 Tết cũng ra khơi lấy ngày, kiếm được gần 1 triệu đồng từ số ghẹ, đam đam, tôm thuyền đánh bắt được. “Tôi đang chuẩn bị dầu, cheo lưới, chỉ đêm nay lại ra khơi. Trước khỏe thì đi tàu gỗ đánh bắt xa bờ. Giờ chỉ đánh bắt gần bờ thôi, đêm đi thả lưới, trưa chiều đã có cá, tôm về bán”, anh Vân tâm sự.
Cái hay của nghề đánh bắt hải sản ở đây là không bao giờ sợ bị ế hàng và ép giá. Thuận mua, vừa bán, tôm cá được mua ngay trên bãi biển khi thuyền đổ bến.
Hiểm nguy vẫn thường trực
Bên cạnh lợi nhuận do biển đem lại, mỗi phút giây ra khơi, ngư dân luôn phải đối mặt với không ít hiểm nguy thời tiết, đôi khi do chính con người đem đến. Họ bảo, biển động, sóng to, gió lớn không đáng sợ bằng đối mặt với đội quân chã, xung điện, giã cào đông đảo, hung hãn.
Ngày 27 tháng Chạp vừa qua, anh Vân mang 30 cheo lưới ra khơi, dự định làm một mẻ cuối rồi về nhà ăn Tết. Khi vừa thả lưới, bất ngờ một chiếc thuyền sử dụng chã điện đi qua kéo phăng 10 cheo lưới. Anh Vân lẳng lặng nhìn số cheo lưới bị quấn theo, không dám hé răng nửa lời sợ bị tấn công. “Mình thuyền nhỏ, nó thuyền to, lời qua tiếng lại chúng sẵn sàng đâm chìm thuyền của mình luôn”, anh Vân thở dài. Một cheo lưới bị mất giá trị khoảng 500 nghìn đồng. Mỗi năm, anh phải chi khoảng vài chục triệu đồng mua cheo lưới mới.
Ông Thu cho biết, dịp trước Tết, biển gần như đóng băng, thu xong mẻ lưới, rít điếu thuốc cho ấm mà không sao bật được lửa. Nhưng nỗi sợ lớn nhất là chạm trán đội thuyền dùng xung điện đánh bắt. Những chiếc thuyền này đi tới đâu, tận diệt mọi loài tới đó. Lưới ngư dân thả xuống bị cắt tan nát nhưng không dám “ý kiến” vì sợ bị đâm chìm thuyền.
“Ở đây người dân toàn đi thuyền có 20 CV, thuyền dùng xung điện toàn 200 CV trở lên, mình làm gì được. Chuyện bị cắt lưới diễn ra thường xuyên, thậm chí có hộ còn bị chúng đâm ngang làm chìm thuyền. Có những ngày gặp vài chục chiếc xung điện, chủ yếu là các thuyền bên huyện Giao Thủy, tỉnh Thái Bình, tỉnh Thanh Hóa”, ông Thu kể.
Vợ chồng ông Bùi Văn Thu gỡ lưới, chuẩn bị chuyến ra khơi
Nói về chuyện bị đâm chìm thuyền, ông Cường giọng như trầm xuống, thuyền của thằng Kha con trai tôi chứ ai. Năm 2015, thuyền của Kha hai lần bị đâm chìm vì dám “ý kiến” sau khi lưới bị cắt mất. “Thằng Kha nhà tôi nó bị bệnh khớp, lần đó thuyền bị đâm chìm, người rơi xuống biển. May mắn được mấy thuyền đi cùng vớt lên, gần như chết cóng nhưng đồ đạc mất sạch. Rồi lại có những đội thuyền từ Thanh Hóa toàn đi thuyền không ra Nam Định. Họ chờ người dân thả lưới, nhằm lúc đêm tối thì vớt trộm cả lưới lẫn cá đem về, biết nhưng không làm gì được”.
Ông Lê Mạnh Đương, Chủ tịch UBND thị trấn Thịnh Long cho biết, năm 2015, giá trị ngành khai thác, nuôi trồng thủy hải sản địa phương này ước đạt 57,5 tỷ đồng, tăng 11,2% cùng kỳ 2014. Trong đó, đánh bắt sứa vào dịp hè gần như là công việc đem lại lợi nhuận cao nhất cho ngư dân. Thịnh Long hiện có khoảng trên 100 tàu đánh bắt hải sản cả gần và xa bờ. Năm 2016, Thịnh Long tiếp tục khuyến khích người dân cải tiến ngư cụ, máy móc đẩy mạnh khai thác thủy hải sản phát triển kinh tế.
Về việc bảo vệ ngư dân, ngăn chặn nạn dùng giã cào, xung điện tận diệt thủy sản trên biển, ông Đương cho rằng, đây là việc rất khó, vì nhiệm vụ chính trên biển thuộc về hai lực lượng là bộ đội biên phòng và kiểm ngư. Thứ hai, khi xảy ra những vụ việc đáng tiếc trên biển, người dân thường không chủ động khai báo với chính quyền địa phương nên rất khó nắm bắt thông tin.
“Có những hôm, cả đoàn tàu giã cào, xung điện vào càn quét, tận diệt nhìn đen kịt ngay trước cửa Đồn Biên phòng 96. Tôi chạy lên tận đồn trình báo. Lãnh đạo đồn bảo sẽ cho tàu truy đuổi bắt giữ ngay. Nhưng không hiểu sao chỉ một lúc sau, cả đoàn tàu đó chạy ra sạch như có người thông báo, cũng chẳng thấy bóng dáng lực lượng chức năng đâu. Nhiều lần như thế, giờ chúng tôi có thấy cũng chẳng buồn thông báo, trình báo nữa”, ông Cường chia sẻ.
“Hiện nay vẫn còn một nhóm tàu từ Thanh Hóa thường xuyên trộm cheo lưới của người dân. Tình trạng dùng xung điện tận diệt thủy sản, đâm tàu của người dân cũng còn nhưng rất khó xử lý. Hằng năm, chúng tôi phối hợp với Đồn Biên phòng 96 đóng trên địa bàn tổ chức các lớp tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức giữ gìn an ninh trật tự trên biển, an ninh biên giới quốc gia”, ông Lê Mạnh Đương, Chủ tịch UBND thị trấn Thịnh Long.