Mùa lũ… thiếu nước
Nước lũ từ thượng nguồn đổ về không chỉ đem theo phù sa bồi bổ cho đồng ruộng mà còn mang theo lượng thủy sản dồi dào, thuận lợi cho người dân phát triển các hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh "ăn theo" mùa lũ vì thế cũng phát triển, như kinh doanh các loại chài, lưới, ngư cụ và vật tư phục vụ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản; việc tổ chức thu mua, tiêu thụ các loại thủy sản. Tuy nhiên, năm nay lũ cạn, nông dân tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ không thể phát triển nuôi các loại thủy sản trên ruộng lúa. Các làng nghề sản xuất kinh doanh chài lưới và ngư cụ cũng lao đao...
Ông Phạm Phước Phong, chủ cơ sở chài lưới Năm Tấn ở Làng chài lưới Thơm Rơm, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, cho biết: "Do lũ ít, ruộng còn cạn nước nên tới thời điểm này sức mua các loại chài lưới, ngư cụ và dụng cụ phục vụ cho việc nuôi trồng, đánh bắt các loại thủy sản nói chung vẫn rất chậm. Các năm trước giờ này nước trên đồng tại nhiều nơi đã ngập ngang lưng, thủy sản đánh bắt trên ruộng được rất nhiều nên các hộ kinh doanh chài lưới ở đây bán hàng không kịp. Hiện nay, lượng người đến mua khá ít và chủ yếu mua các loại ngư cụ phục vụ đánh bắt cá trên sông rạch".
Trong những năm qua, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh ngư cụ tại Làng chài lưới Thơm Rơm hoạt động sản xuất kinh doanh quanh năm, phục vụ người dân các tỉnh ĐBSCL. Làng chài lưới hoạt động nhộn nhịp nhất vẫn là các tháng nước nổi, từ cuối tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hằng năm. Ông Trần Hữu Phát, chủ cơ sở chài lưới Hiệp Phát ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, cho biết thêm: "Đã làm nghề kinh doanh chài lưới được 38 năm rồi nhưng chưa thấy năm nào sức mua bị giảm thấp xuống chỉ còn ở mức khoảng 20-30% như năm nay. Dù giá nhiều loại ngư cụ hiện cũng giảm ít nhất khoảng 15-20% so với năm trước nhưng người dân ít mua vì lũ nhỏ và không có cá trên đồng để đánh bắt, cá dưới sông cũng ngày càng khan hiếm". Theo ông Bùi Văn Sang, chủ Trại Xuồng Ba Sang ở quận Thốt Nốt, các loại ghe xuồng cỡ nhỏ phục vụ cho người dân nuôi trồng và đánh bắt thủy sản cũng bán rất chậm so mọi năm do lũ ít. Nếu so với cùng kỳ năm trước thì sức mua các mặt hàng này đang giảm hơn 70%.
Nhiều mối lo
Nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng lũ chậm về. Đặc biệt, nước trên nhiều sông rạch và ruộng cạn, lượng cua ốc và cá tự nhiên cũng khan hiếm, người dân không thể nuôi thủy sản trên ruộng cũng như không dám phát triển các loại hình nuôi thủy sản trong ao mương, bồn ni-lông, nuôi trong vèo hay nuôi vịt thả đồng… vì sợ thiếu nguồn thức ăn tự nhiên, chi phí chăn nuôi tăng cao sẽ không có lời.
Theo ông Trần Văn Huỳnh ngụ ấp Đông Lợi, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, thả nuôi cá trên ruộng vào mùa lũ khá nhàn và mỗi công đất có thể giúp nông dân có lợi nhuận từ 1- 1,5 triệu đồng/vụ nuôi. Đồng thời, đồng ruộng được ngâm nước suốt trong mùa lũ nên tiêu diệt được các mầm sâu bệnh giúp thuận lợi cho sản xuất lúa trong vụ sau. Tuy nhiên, trong vụ sản xuất thu đông năm nay, hầu hết các hộ dân tại xã Đông Hiệp không thể phát triển nuôi cá thả trên ruộng như trước do không có nước, buộc phải chuyển đổi sang làm lúa vụ 3 hoặc trồng các loại rau màu để có thu nhập. Tuy nhiên, do năng suất lúa vụ 3 năm nay thấp và giá nhiều loại rau màu thường xuyên bấp bênh nên nhiều hộ dân chỉ phá huề vốn hoặc đạt lợi nhuận khá thấp. Ông Huỳnh cho rằng: " Người dân không chỉ bị thất thu trước mắt mà về lâu dài rất lo các nguồn lợi thủy sản tự nhiên sẽ bị cạn kiệt. Đặc biệt, sản xuất lúa và nhiều loại cây trồng sẽ tốn nhiều chi phí hơn nhưng lại không còn trúng như trước do đồng ruộng không được bồi bổ phù sa và nhiều mầm sâu bệnh, dịch hại lúa không được nước lũ tiêu diệt. Do vậy, nông dân rất mong cơ quan nhà nước cần có các nghiên cứu và khuyến cáo kịp thời cho nông dân". Ông Nguyễn Văn Tư ngụ xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, lo lắng cho rằng, nước lũ ngày càng về ít và có diễn biến bất thường không theo quy luật tự nhiên là có phần do việc xây dựng ngày càng nhiều các đập thủy điện ở thượng nguồn. Điều này đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt giữa các bên có liên quan trong sử dụng nguồn nước sông Mê Kông hiệu quả để đảm bảo hài hòa lợi ích các bên liên quan, nhất là tránh các tác hại tiêu cực cho các khu vực hạ nguồn và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên chung để phát triển bền vững, ổn định lâu dài.