Sử dụng xung điện tràn lan
Theo vợ chồng anh Long chị Lĩnh (xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy) ra phá, chúng tôi ghé qua một điểm tập kết của ngư dân. Những người này ở xã Hoa Thủy; nhà khá xa nên thường đến sớm nấu cơm, chuẩn bị ngư cụ trước cho buổi đánh bắt xuyên đêm. Khác vợ chồng Long Lĩnh, ngư dân Hoa Thủy dùng rập đánh bắt cá tôm. Rập là một loại bẫy có nguồn gốc Trung Quốc, ngư dân ở đây thường dùng. Mỗi chuỗi rập dài hàng chục mét, là hàng trăm cái bẫy; cá, tôm, cua, rạm, ốc… vô dễ mà ra không được.
Hầu hết người thả lưới, rập, đơm nò, đóng đáy… trên phá Hạc Hải đều lo lắng, không chỉ vì năm nay nước lũ không về, cá tôm khan hiếm. Không ít kẻ hám lợi trước mắt, thường đánh bắt theo kiểu tận diệt. Những năm trước, không ít kẻ dùng cả thuốc trừ sâu bắt cua đồng (năm 2013, NTNN có loạt bài về vấn đề này). Nay nhờ chính quyền địa phương và cơ quan chức năng ngăn chặn quyết liệt, hành vi đó tạm dừng.
Tuy nhiên, gần đây, trên phá Hạc Hải lại rộ lên tình trạng đánh bắt tôm cá bằng xung điện. Nhiều ngày theo ngư dân đi đánh bắt bằng phương pháp truyền thống (thả lưới, đáy, làm nò…) trên phá Hạc Hải, chúng tôi chứng kiến những người dùng xung điện bố trí theo hàng ngang (từng tốp 10 người), càn quét cá tôm. Chỉ một loáng, cá tôm nổi lềnh bềnh, nước lũ không về, phá Hạc Hải càng cạn, cá tôm “dính” xung điện càng nhiều.
Địa phương cần kiên quyết xử lý
Ông Nguyễn Hữu Thịnh, một cán bộ nông nghiệp lâu năm nay đã nghỉ hưu của huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) nhìn nhận: Những năm trời có lũ, nguồn cá từ các lưu vực sông Kiến Giang và Đại Giang đổ về phá Hạc Hải nhiều, cùng với loài tôm, cá nước lợ ngược dòng Nhật Lệ vào vùng phá Hạc Hải để sinh sản nên sản vật dồi dào.
Năm nay, do thời tiết không có các trận mưa lớn và nước lũ không về nên nguồn tôm cá, thủy hải sản bổ sung cho vùng phá Hạc Hải không nhiều. Số người tham gia đánh bắt ngày càng nhiều, lại dùng nhiều phương tiện cấm như xung điện nên nguồn lợi thủy sản nơi đây ngày càng cạn kiệt.
Đem vấn đề này trao đổi với lãnh đạo một số xã nơi đây, câu trả lời mà chúng tôi nhận được là “khó xử lý triệt để”.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Tùng - Trưởng Công an xã Lộc Thuỷ (Lệ Thủy) cho biết, công an xã đã nhiều lần tổ chức lực lượng vây bắt nhưng không mang lại kết quả như mong muốn.
Theo ông Tùng, do địa hình phá Hạc Hải thuộc sự quản lý của nhiều xã, những đối tượng đánh bắt cá bằng xung điện khi phát hiện công an của xã này đi tuần tra thì lại “lẩn” sang địa bàn của xã khác. Rồi thì, không phải công an của xã nào cũng mặn mà với việc này, đơn giản vì họ biết đó là người của xã mình, bà con, anh em mình nên cả nể, ngại đụng chạm. Việc triển khai giữa các xã với nhau chưa đồng bộ nên việc ngăn chặn không có hiệu quả…
“Những năm trước, đêm thu ít nhất cũng 300.000 đồng, nhiều đêm tiền triệu; năm nay hiếm đêm được 300.000 đồng, hầu hết chỉ khoảng 100.000 đồng, chưa đủ tiền dầu” – Lê Hồng Long, nông dân xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết.