Từ giữa tháng 7 âm lịch đến nay, sứa sen (loại sứa biển có màu xanh dương, thân tròn như búp sen) xuất hiện nhiều tại các vùng biển ven bờ từ xã Nhơn Hải đến xã Cát Khánh. Người dân tại các địa phương trên sử dụng sõng chèo, xuồng máy, thúng chai, phao, vợt, đèn đội đầu để ra biển bắt sứa. Việc khai thác tùy thuộc thời điểm sứa xuất hiện, có thể từ giữa đêm cho đến rạng sáng, hoặc từ lúc 10 giờ sáng cho đến đầu giờ chiều mỗi ngày.
Sau khi vớt đầy đãy sứa, bơi vào bờ, ông Nguyễn Quang Trung, ở thôn Chánh Lợi, xã Cát Khánh, tươi cười cho biết: “3 năm gần đây, sứa xuất hiện nhiều và đều trở lại như ngày xưa. Sứa xuất hiện gần bờ nên rất dễ bắt, nhà nào dùng thuyền máy khai thác thì sản lượng cao hơn, còn tôi dùng phao, kính lặn nên được ít. Dù vậy, có ngày tôi cũng vớt được tới 50 - 70 kg sứa, thậm chí có hôm trúng đậm được gần 2 tạ”.
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, sứa sen thường chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn, năm nào sứa nhiều thì kéo dài hơn nửa tháng, có năm chỉ vài ngày. Mùa sứa tuy rất ngắn nhưng kịp giúp người dân có thu nhập rất khá, bởi sứa vào đến bờ là không thiếu người mua. Vài người có điều kiện đem sứa về thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát) để bán cho được giá, tuy nhiên hầu hết ngư dân bán ngay tại bờ. Sau khi sơ chế, sứa được chuyển đến các chợ trong tỉnh, sang các tỉnh lân cận và lên Tây Nguyên. Sứa tươi hiện có giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, còn sứa muối thì 50.000 - 60.000 đồng/kg.
Khác với ở Cát Khánh, sứa sen xuất hiện tại vùng biển xã Cát Tiến, Nhơn Lý trong vòng chỉ 3 - 5 ngày, nhưng người dân nơi đây vẫn chung niềm vui được mùa sứa. Ông Nguyễn Kim Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Lý, cho hay: “Sứa xuất hiện phụ thuộc rất nhiều vào con nước. Năm nay lượng sứa ở địa phương ít hơn năm ngoái nên cũng ít người đi vớt, chủ yếu vớt về để dành ăn, số ít đem bán. Nhưng nói chung có sứa là vui rồi, bởi nhiều bà con tin rằng hễ năm nào có sứa là năm đó sẽ có nhiều may mắn!”.
Người dân xã Cát Khánh khai thác sứa sen.
Vui nhất có lẽ là người dân ở xã Nhơn Hải, bởi vùng biển địa phương này có sứa liên tục từ giữa tháng 7 âm lịch đến nay. Bên cạnh dùng thúng chai, sõng chèo để vớt sứa, nhiều ngư dân sử dụng xuồng máy có gắn đầu hơi (thiết bị lặn có ô xy) để lặn bắt sứa ở những tầng nước sâu.
Đưa chiếc thúng chai chứa đầy sứa vào bờ để sơ chế, anh Trần Thúc Điền, ở thôn Hải Bắc, xã Nhơn Hải, cho biết: “Thường sứa sen xuất hiện ở Nhơn Hải từ tháng 8 âm lịch, nhưng năm nay sứa có sớm hơn mọi năm cả tháng trời, lại nhiều nên bà con phấn khởi vì có thu nhập cao. Đầu mùa sứa thành phẩm có giá 90.000 đồng/kg, giờ giảm còn 60.000 đồng/kg. Riêng tôi làm lai rai đến nay cũng kiếm được 5 triệu đồng”.
Theo lời những người khai thác sứa, việc muối sứa cũng mất nhiều công. Sứa vớt về, cắt bỏ phần tai sứa, chỉ giữ lại phần chân. Sau đó, phơi sứa ngoài nắng vài giờ, rồi dùng nước biển rửa sạch, chà hết nhớt, cho vào thùng ướp sứa với phèn chua, để khoảng 1 tuần là dùng được. Sứa muối thì tỷ lệ hao hụt nhiều hơn nhưng thịt sứa săn chắc, ăn ngon hơn.
Bà Hà Thị Nương, ở thôn Hải Bắc, thổ lộ: “Sứa sen là món ăn ngon, bổ dưỡng, có thể chế biến thành món gỏi, nộm sứa, bún sứa… được nhiều người ưa chuộng. Loại sứa này là món đặc sản biển, nhưng hiếm bởi tới mùa sứa mới có, mà năm có năm không. Bởi vậy, sứa bán rất “chạy hàng””.