Mỹ An là một xã thuần nông, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm cho sản xuất và đời sống người dân khó khăn hơn. Ông Trần Văn Tây - Bí thư Đảng ủy kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã cho biết: Hàng năm, Ban Chỉ đạo đều rà soát để xác định nguyên nhân nghèo và thực hiện các chính sách phù hợp đối với từng hộ. Sau khi xác định các nguyên nhân, Ban chỉ đạo xác định đa số hộ nghèo đều do thất nghiệp, thiếu việc làm, thiếu vốn. Đồng thời, xã cũng tích cực vận động, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân nhằm tránh việc trông chờ và ỷ lại. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã hàng năm đều được kéo giảm. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã 14,97%, giảm 13,42% so với năm 2011 (theo chuẩn cũ).
Hộ chị Trần Thị Tuyết, ấp An Hòa là hộ nghèo được hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế gia đình. Mỗi tháng, chị làm được 200 - 300 cây chổi. Đến năm 2011, chị được tư vấn và tham gia tổ hợp tác bó chổi. Chị Tuyết được hỗ trợ máy chặt cán chổi và vốn để mua nguyên liệu. Bình quân, mỗi giờ chặt cán chổi bằng tay chỉ được 50 - 60 cây, chặt bằng máy số lượng tăng lên gấp 10 lần. Sau những ngày chịu khó làm ăn, gia đình chị đã mua được 1.000m2 đất để “an cư, lạc nghiệp”. Chị Tuyết bày tỏ: “Nhờ được sự giúp đỡ của địa phương mà tôi mới có được ngôi nhà và đầy đủ tiện nghi”. Ngoài ra, chị còn giúp được các chị em khác có việc làm và kiếm thêm thu nhập từ việc bó chổi tại nhà.
Chị Nguyễn Thị Chi - Tổ trưởng Tổ hợp tác bó chổi chia sẻ: Đa số thành viên trong tổ đều có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ điều kiện để phát triển kinh tế gia đình. Khi có điều kiện để “kiếm tiền” ở quê, các chị đều vui mừng, vì khỏi phải đi làm thuê ở xa. Được hỗ trợ vốn, tổ viên còn giúp các lao động nhàn rỗi kiếm thêm thu nhập. Sau giờ đưa con đi học và việc nội trợ gia đình, các chị đến tham gia bó chổi. Mỗi ngày, các chị có thể kiếm được từ 50 - 60 ngàn đồng.
Xã đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề để mở các lớp học nghề, tư vấn hướng nghiệp cho hộ nghèo vươn lên. Nhiều mô hình như bó chổi, nuôi bò sinh sản... giúp người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, cây, con giống, nâng cao thu nhập. Đời sống vật chất và tinh thần của hộ nghèo từng bước được nâng lên, những nhu cầu thiết yếu như: nhà ở, điện, nước, nhu cầu thu thập thông tin... đều được hưởng thụ. Các tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng, thuận tiện cho việc đi lại. Xã đã cơ bản xóa được cầu khỉ. Trong 5 năm qua, xã đã có 299 hộ thoát nghèo. Các chính sách được hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở được Ban Chỉ đạo thực hiện để kịp thời hỗ trợ.
Ông Trần Văn Tây cho biết thêm: Thời gian tới, xã tập trung nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo, bình quân mỗi năm kéo giảm từ 2 - 3%; tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả ở địa phương như: bó chổi, nuôi tôm càng xanh, nuôi bò, dê; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho hộ nghèo có nhu cầu được vay vốn.