Phát biểu tại Hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm 2018 và triển khai kế hoạch 2019 của Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, với lợi thế năm 2018, bước sang 2019 ngành nuôi trồng thủy sản cần hành động với tư duy mới, cách làm mới, trong đó trọng tâm là rà soát, thiết lập lại thị trường con giống, thức ăn, vật tư nuôi trồng thủy sản.
Mục tiêu, kế hoạch kim ngạch xuất khẩu giao ngành thủy sản năm 2019 là trên 10 tỷ USD, trong đó lĩnh vực nuôi trồng là cái gốc để SX ra nguyên liệu chế biến thủy sản, nên nhiệm vụ nuôi trồng thủy sản là hết sức nặng nề. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị lãnh đạo Vụ Nuôi trồng thủy sản nói riêng, Tổng cục Thủy sản nói chung phải bám sát thực tiễn thị trường với tư duy, cách làm đổi mới hơn, giải pháp phải chi tiết, đồng bộ, nhiều kịch bản, nhiều phương án tiến hành.
Thứ trưởng nêu ba sản phẩm chính, chủ lực cần tập trung, ưu tiên với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản năm 2019, đó là con tôm, cá tra và nuôi biển, nhuyễn thể. Trong đó, phải rà soát, quản lý chặt lĩnh vực SX, cung cấp giống tôm, thức ăn thủy sản bởi số liệu thống kê cho thấy trên cả nước hiện nay có hàng nghìn cơ sở kinh doanh, cung cấp giống tôm rất khó kiểm soát chất lượng.
Quản lý tốt con giống và thức ăn theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến là tiền đề quan trọng, cơ bản để giải quyết được vấn đề chất lượng sản phẩm với con tôm xuất khẩu. Đồng thời, Vụ Nuôi trồng thủy sản tham mưu cho lãnh đạo Bộ, Tổng cục quản lý cho được việc sử dụng các chế phẩm nuôi trồng hủy sản, đảm bảo nguyên liệu đưa vào chế biến đạt tiêu chuẩn, không tồn dư chất cấm.
Với sản phẩm cá tra, Thứ trưởng đề nghị phải sớm hoàn thiện, đẩy mạnh quy trình SX giống ba cấp. Lĩnh vực nuôi biển, đặc biệt với nhuyễn thể tiềm năng hiện còn rất lớn nên trong các kế hoạch trung và dài hạn cần phải có đề án, phương án hành động ngay từ bây giờ.
Trong bối cảnh biển đối khí hậu ngày một phức tạp, bão lũ bất thường, thị trường nhập khẩu ngày càng có nhiều hàng rào kỹ thuật, nhiều thông tin bất lợi cho ngành thủy sản Việt Nam, Thứ trưởng yêu cầu ngành nuôi trồng thủy sản phải tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ thông tin trong quản lý, nắm bắt kịp thời những diễn biến, thay đổi, biến động môi trường của ngành chứ không nên phụ thuộc quá lớn vào lực lượng thú y như hiện nay.
Chế biến tôm xuất khẩu
Lấy ví dụ ngành nuôi biển tại tỉnh Khánh Hóa gây dựng mất hàng thập kỷ nhưng chỉ sau một trận mưa bão bất thường khiến thành quả bao nhiêu năm đổ sông đổ biển nên thời gian tới phải đầu tư vào công nghệ quan trắc, dự báo hiện đại để chủ động được trong việc hạn chế thiệt hại do yếu tố khách quan gây ra.
Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai cho biết, năm 2019 Bộ NN-PTNT giao chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng SX của ngành 4,69%, sản lượng trên 8 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 10,5 tỷ USD. Trong đó, con tôm chỉ tiêu 4,1 tỷ USD, cá tra 2,4 tỷ USD, hải sản đánh bắt, chế biến 3,5 tỷ USD, trong đó ngành nuôi trồng chiếm tới 70% tổng giá trị toàn ngành.
Tổng cục Thủy sản về cơ bản đồng ý với những giải pháp, mục tiêu Vụ Nuôi trồng thủy sản đặt ra để hoàn thành kế hoạch năm 2019, song cần phải bàn kỹ hơn nữa, đặc biệt phải có những phân tích, đánh giá thẳng thắn những khó khăn, hạn chế của năm 2018, đơn cử như việc tại sao mặt hàng tôm năm 2018 lại giảm so với 2017, để có bài học, kinh nghiệm tốt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành năm 2019.
Theo lãnh đạo Vụ Nuôi trồng thủy sản, năm 2019 chỉ tiêu đặt ra với ngành nuôi trồng đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất 5,19%; Diện tích nuôi trồng 1,3 triệu ha, trong đó tôm nước lợ 725.000ha (tôm sú 620.000ha, tôm thẻ chân trắng 105.000ha), cá tra nuôi 5.400ha; sản lượng nuôi trồng 4,38 triệu tấn (tăng 5,6% so với 2018); kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 4,11 tỷ USD (tăng 14,48% so với 2018), cá tra 2,4 tỷ USD (tăng 6,19% so với 2018).