- Xin ông cho biết về những khó khăn, thuận lợi khi Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU?
Ông Đặng Hoàng Hải: EU là một thị trường lớn và tiềm năng với 28 quốc gia thành viên và dân số trên 500 triệu người. Trong thời gian qua, quan hệ thương mại Việt Nam-EU đã phát triển nhanh chóng và Việt Nam luôn ở vị trí xuất siêu sang thị trường này.
Thống kê cho thấy, năm 2016 Việt Nam xuất khẩu sang EU trên 34 tỷ USD (tăng 12 lần so với giá trị xuất khẩu sang EU năm 2000), nhập khẩu 11 tỷ USD. Như vậy, giá trị xuất khẩu sang EU năm 2016 gấp hơn 3 lần giá trị nhập khẩu từ EU.
Hiện Việt Nam tiếp tục được hưởng Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập cho giai đoạn 2017-2019. Đây là một thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và cũng là lợi thế của Việt Nam so với các nước xuất khẩu vào EU nhưng không được hưởng GSP.
Khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực, Việt Nam cũng đã có kinh nghiệm của 20 năm tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Doanh nghiệp Việt Nam đã không còn ở thế bị động đối phó với cạnh tranh như những ngày đầu mở cửa.
Thêm vào đó, mặc dù cạnh tranh là điều tất yếu, nhưng do cơ cấu thương mại của Việt Nam và EU có tính bổ trợ cho nhau, sức ép cạnh tranh của EU sẽ không gay gắt như một số đối tác quen thuộc của Việt Nam. Điều này sẽ mang lại tác động tích cực cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Không những thế, cam kết mở của thị trường mạnh mẽ trong EVFTA sẽ là một cú huých quan trọng để thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam- EU trong tương lai. Đây cũng như cơ hội mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu Việt Nam, nhất là những sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như dệt may, giày dép, nông thuỷ sản, đồ gỗ.
Thời gian qua, quan hệ thương mại Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) phát triển nhanh chóng và Việt Nam luôn xuất siêu sang thị trường này. Tuy nhiên, đây là thị trường đòi hỏi nghiêm ngặt về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, trong khi không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được các yêu cầu.
Hơn nữa, hệ thống luật pháp, chính sách của Việt Nam vẫn thiếu đồng bộ, nhất quán, ổn định và đây là nguyên nhân gây bất lợi khi phải đối mặt với các vụ tranh chấp và kiện quốc tế.
Do đó, chuyến thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Đức, Vương quốc Hà Lan và tham dự Hội nghị hội đỉnh G20 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 5-11/7 được mong đợi sẽ tạo ra xung lực mới để quan hệ thương mại giữa Việt Nam-EU ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu.
Mặt khác, mặc dù Việt Nam đã thực hiện mở cửa thị trường mạnh mẽ, xây dựng được nhiều văn bản pháp luật thích ứng với các cam kết quốc tế và khu vực. Tuy nhiên, hệ thống luật pháp, chính sách của Việt Nam vẫn chưa đầy đủ, đồng bộ, nhất quán và ổn định. Điều này sẽ là nguyên nhân gây bất lợi cho Việt Nam khi phải đối mặt với các vụ tranh chấp và kiện quôc tế.
Đối với Hiệp định EVFTA, mặc dù hướng tới xoá bỏ thuế nhập khẩu lên đến gần 100% biểu thuế và kim ngạch thương mại của hai bên, tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam chưa có hiểu biết đầy đủ đối vấn đề xuất xứ. Mặt khác, một số quy tắc xuất xứ trong FTA còn chặt mà doanh nghiệp chưa đáp ứng được.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu và xây dựng kế hoạch trong việc điều chỉnh chuỗi cung ứng, các nguyên vật liệu đầu vào để đảm bảo đáp ứng các quy tắc xuất xứ, qua đó mới có thể thực sự tận dụng được thuế suất ưu đãi khi EVFTA có hiệu lực.
Không chỉ vậy, hiện châu Âu đang phải đối mặt với nhiều bất ổn về tình hình chính trị, xuất hiện chủ nghĩa ly khai, dân túy đe dọa đến tính thống nhất trong liên minh châu Âu, khủng hoảng nhập cư, khủng hoảng nợ công.
Do vậy, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giao thương trong nội bộ EU và giao thương giữa EU và các nước thứ 3. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu trên thế giới sang EU nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam sang EU nói riêng.
["Lối mở" cho hàng dệt may Việt Nam thâm nhập thị trường EU]
- Vậy ông có khuyến cáo gì với doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường này?
Ông Đặng Hoàng Hải: Các nước thành viên EU áp dụng thuế suất và chính sách xuất nhập khẩu về hàng hoá chung nhưng mỗi nước lại có những đặc điểm riêng biệt về địa lý, nhu cầu tiêu thụ hàng hoá, tốc độ tăng trưởng thương mại với Việt Nam.
Vì thế, doanh nghiệp khi xuất khẩu cần nghiên cứu thông tin để nắm được đặc điểm riêng từng thị trường nhằm đảm bảo cho thành công và hiệu quả của việc xuất khẩu.
Mặc dù, quan hệ thương mại Việt Nam-EU đang phát triển nhanh chóng, tuy nhiên, Việt Nam mới đang tập trung nhiều với một số nước như Đức, Pháp, Anh, Hà Lan, Italy. Đây là 5 thị trường lớn nhất của Việt Nam tại EU, cả về xuất khẩu và nhập khẩu, chiếm khoảng 68% tổng thương mại với các nước EU.
Điều này cho thấy, xuất khẩu Việt Nam chưa tập trung vào nhóm các thị trường còn lại của EU và tiềm năng cho Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường này còn rất lớn, đặc biệt khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Ngoài ra, năm 2016 phía EU đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ đối với các mặt hàng nhập khẩu nhất là với các mặt hàng nông sản, thép nhập khẩu từ châu Á.
Do vậy, các doanh nghiệp cần chú ý đảm báo đáp ứng đầy đủ quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, về chất lượng cũng như đảm bảo nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam để tránh bị điều tra hoặc bị áp dụng những hình thức phòng vệ thương mại.
Để đón đầu cơ hội và khai thác được nhiều lợi ích từ Hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đổi mới, sáng tạo, tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng kế hoạch phù hợp nhằm nâng cao năng lực để đối phó với thách thức.
Hơn nữa, việc Anh rời EU (Brexit) cũng kéo theo một số hệ lụy tiêu cực về mặt kinh tế. Kết quả khảo sát 1.300 doanh nghiệp tại Đức ngày 28/3 cho thấy 9% số doanh nghiệp Đức sẽ chuyển hoạt động đầu tư từ Anh về Đức, hoặc sang các nước EU khác; trong khi 40% muốn giảm dần giao dịch với London.
Do đó, đối với các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang xuất khẩu sang EU qua Anh thì cũng nên theo dõi sát tình hình, chủ động xây dựng các phương án xuất khẩu bổ sung, thay thế để kịp thời phản ứng với các tình huống xảy ra.
Đáng lưu ý là Ủy ban châu Âu (EC) đang dự kiến áp dụng các quy định mới liên quan đến giảm dư lượng tối đa (MRL) chất Tricyclazole cho phép trong gạo nhập khẩu và chất Metalaxyl trong hạt tiêu nhập khẩu.
Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam, cụ thể là các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và nông sản, nên quan tâm và chủ động cập nhật về diễn biến này từ phía EC cũng như xây dựng giải pháp cho doanh nghiệp để kịp phản ứng với những thay đổi nếu có xảy ra.
- Về phía Bộ Công Thương sẽ có giải pháp gì để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU và định hướng trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Đặng Hoàng Hải: Để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU, Bộ Công Thương đã và đang chỉ đạo Thương vụ và các đơn vị liên quan tăng cường thực hiện các giải pháp thúc đấy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, mở rộng thị trường, tập trung khai thác lợi thế xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài, và đang tích cực chỉ đạo triển khai đề án này.
Tại thị trường EU thông qua các sự kiện Tuần hàng Việt Nam tại nước ngoài, Xúc tiến thương mại quốc gia, xây dựng các buổi gặp mặt B2B kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam với trực tiếp các hãng phân phối lớn tại châu Âu (Pháp, Italy) để doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội giới thiệu năng lực, quảng bá mặt hàng, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu trực tiếp với các hãng phân phối lớn của châu Âu mà không qua trung gian.
Riêng Vụ Thị trường châu Âu cũng đang triển khai Đề tài “Nghiên cứu giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường một số nước Đông Âu” nhằm tìm kiếm cơ hội, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng Việt Nam tại EU.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!