Sản xuất giống những loài cá đặc sản bản địa
Do ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và tình trạng khai thác thủy sản tận diệt bằng các ngư lưới cụ bị cấm như dùng xung điện, thuốc nổ, hóa chất làm nguồn lợi thủy sản giảm sút nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tập tính sinh sản và làm biến mất các bãi đẻ tự nhiên của nhiều loài cá như cá trôi ta, cá mè ta, cá trắm đen sông Hồng, cá rói, cá ngạnh sông... Không những thế, trên địa bàn tỉnh hiện không có cơ sở sản xuất giống những đối tượng này.
Hiện những loại cá này đã được Sở NN và PTNT liệt kê vào danh sách những loại cá hiếm cần được bảo vệ và giao cho Trung tâm Giống thủy đặc sản (Sở NN và PTNT) tiến hành các hoạt động nhằm bảo tồn và sản xuất thành công con giống các đối tượng cá bản địa trên.
Các cán bộ thủy sản của Trung tâm đã thu thập thông tin về đặc điểm phân loại, hình thái bên ngoài, khu vực phân bố, mùa vụ sinh sản… của các loài cá để hoạch định kế hoạch sử dụng bền vững nguồn gen, bảo vệ các loại cá bản địa. Các đối tượng này được Trung tâm nuôi tách biệt trong 12 ao, không lẫn với đối tượng cá khác; cá bố mẹ cũng được tách riêng để không bị phối cận huyết; được chăm sóc, theo dõi theo chế độ riêng nhằm tìm ra phương pháp lưu giữ tốt nhất cho sự sinh trưởng và phát triển của chúng. Hiện tại Trung tâm có khoảng 3 tấn cá bố mẹ và sản xuất được khoảng 551 vạn con giống các loại cá trôi ta, cá mè Việt Nam, cá trắm đen sông Hồng, cá rói, cá ngạnh…
Đồng chí Vũ Thị Bích Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Giống thủy đặc sản tỉnh cho biết: Việc lưu trữ, nhân rộng và sản xuất giống các loài cá bản địa quý, hiếm thực sự cấp thiết, giúp giữ được giống thuần, nguồn gen bản địa quý của các giống cá. Đây là các giống cá được thị trường tiêu dùng ưa chuộng nên việc bảo tồn và nhân rộng giống cá góp phần tăng thu nhập cho người nuôi, từ đó giúp ngành thủy sản tỉnh có kế hoạch bảo tồn và định hướng những chính sách phát triển nuôi thủy sản bền vững, tham gia tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Thời gian tới Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi thủy sản, quản lý môi trường nuôi và phòng trừ dịch bệnh, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Khu bảo tồn ngao giống
Không chỉ giống cá nước ngọt mà nguồn ngao giống bản địa (ngao dầu) cũng ngày càng bị suy giảm do bị khai thác quá mức, sử dụng các phương pháp, công cụ khai thác mang tính hủy diệt, khai thác trong thời gian mùa sinh sản, tận thu cả ngao có kích thước nhỏ hơn quy định… Do vậy, UBND tỉnh đã giao Sở NN và PTNT phối hợp với Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy xây dựng khu bảo tồn và phát triển bền vững giống ngao bản địa tại khu vực cửa Ba Lạt thuộc vùng lõi VQG Xuân Thủy nhằm khôi phục, bảo vệ nguồn lợi tự nhiên giống ngao bản địa; tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương tham gia quản lý, khai thác một cách hợp lý, bền vững tài nguyên thiên nhiên, giúp đảm bảo môi trường trước mắt và lâu dài.
Khu bảo tồn ngao bản địa được xây dựng với mục đích lưu giữ, bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi ngao bản địa; tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng địa phương tham gia quản lý, khai thác một cách hợp lý, bền vững tài nguyên thiên nhiên, giúp đảm bảo môi trường trước mắt và lâu dài. Việc bảo vệ và mở rộng các bãi giống, bãi đẻ và hệ sinh thái khu vực nuôi ngao dầu nhằm bảo đảm cân bằng sinh thái, giữ gìn đa dạng sinh học của VQG Xuân Thủy.
Ngoài ra, việc bảo tồn giống ngao bản địa còn giúp nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư ven biển, góp phần xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ban quản lý Khu bảo tồn phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện Giao Thủy, UBND các xã Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc trực tiếp quản lý khu bảo tồn; xây dựng Quy chế quản lý Khu bảo tồn và phát triển bền vững giống ngao bản địa; kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn trật tự và bảo vệ tài nguyên môi trường của khu vực…
Khu bảo tồn ngao bản địa có tổng diện tích 312,13ha; trong đó, khu nuôi ngao bố mẹ là 100ha, khu ương ngao giống là 212,13ha. Sản lượng trung bình 1 năm ước đạt 40 tấn. Đây là nơi lưu giữ, bảo vệ nguồn ngao bố mẹ và ngao giống nhỏ; tạo bãi sinh sản và bãi giống tự nhiên. Sở NN và PTNT kết hợp với VQG Xuân Thủy thu gom ngao giống bản địa ở địa phương và các vùng lân cận; tổ chức quản lý chăm sóc, theo dõi và nghiên cứu quá trình phát triển tại khu vực bảo tồn; xây dựng hệ thống trạm bảo vệ và các công trình hỗ trợ khác của khu bảo tồn ngao.
Sau các giống cá bản địa, ngao dầu, thời gian tới, Sở NN và PTNT tiếp tục khuyến khích thực hiện các chương trình bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen bản địa quý, hiếm. Chỉ đạo VQG Xuân Thủy, Hiệp hội nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ huyện Giao Thủy nghiên cứu việc bảo tồn, sinh sản nhân tạo và phát triển các con giống bản địa khác như móng tay, ngao gió, tu hài, vẹm… để phục vụ sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản địa phương.