Hàu sữa Thái Bình Dương được đưa vào nuôi lần đầu tiên năm 2007 tại khu vực đảo Cống Tây rồi chuyển sang khu vịnh kín ở Cống Nứa (xã Bản Sen, huyện Vân Đồn). Là vật thể nuôi ngoại lai, nhưng hàu sữa Thái Bình Dương phù hợp và thích nghi tốt với môi trường nơi đây. Đơn vị tiên phong thử nghiệm là Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (Tập đoàn BIM). Những năm sau đó, chương trình này luôn được sự hỗ trợ của Dự án tiêu chuẩn chất lượng an toàn vùng nuôi và Chương trình giám sát chất lượng (Bộ NN&PTNT). Nhờ đó, mà việc nuôi hàu được thực hiện quy củ, khoa học theo tiêu chí vùng nuôi sạch, giá thể và quá trình nuôi tự nhiên... Đó là cơ sở để hàu sữa trở thành vật nuôi phổ biến, xóa đói giảm nghèo, làm nền tảng phát triển các sản phẩm gia tăng giá trị.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp Vân Đồn, giai đoạn 2016-2018 tới nay, tổng diện tích nuôi trồng nhuyễn thể của huyện đạt khoảng 2.310ha, sản lượng 13.220 tấn, trong đó hàu chiếm trên 50%. "Tiềm năng từ hàu sữa rất lớn bởi con giống chất lượng, vùng nguyên liệu rộng... Việc tiêu thụ hàu nguyên con giá trị không cao, giá bán chưa thật ổn định. Để sản xuất các sản phẩm gia tăng từ hàu cần có sự đầu tư thích đáng”, ông Nguyễn Quang Ninh, Phó Phòng NN&PTNT huyện đánh giá.
Theo Nghị quyết phát triển kinh tế thủy sản đến năm 2020 định hướng 2030, Vân Đồn xác định kinh tế thủy sản là một trong những mũi nhọn. Trong đó, nuôi trồng, chế biến dạng hàng hóa, xuất khẩu là một thế mạnh. Chính vì thế, huyện cũng có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích. Một trong những đơn vị tiên phong trong chế biến, nâng giá trị gia tăng của hàu chính là Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long, nơi chủ động được nguồn nguyên liệu chất lượng. Với quy mô trên 300ha mặt nước; sản lượng trung bình 1.000 tấn hàu thương phẩm/năm, đơn vị đã đầu tư nhà máy, dây chuyền sản xuất các sản phẩm gia tăng từ hàu. Ngoài hàu nguyên liệu, năm 2013, đơn vị sản xuất những sản phẩm hàu tách vỏ, đóng túi đầu tiên. Với ưu thế gọn nhẹ, bảo quản được lâu, sản phẩm hàu đóng túi chủ yếu được xuất, bán ra tỉnh ngoài, vào các siêu thị lớn: BigC, Metro; A-one toàn quốc. Giá bán khoảng trên 180.000 đồng/kg.
Phát huy lợi thế nguồn nguyên liệu, công ty liên tục nghiên cứu đưa ra thị trường các sản phẩm nâng cao giá trị gia tăng từ hàu, với hơn 10 loại sản phẩm, chủ yếu là: Ruốc, chả, hàu kho niêu đất, hàu tẩm bột... Gần đây nhất, cuối năm 2018 đơn vị đã giới thiệu ra thị trường sản phẩm: Mắm hàu, hàu bột nguyên liệu... Không chỉ tận dụng được nguồn nguyên liệu, các sản phẩm này có giá bán khá cao, khoảng 200.000-300.000 đồng/kg.
Ngoài Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long ra, còn có Công ty TNHH Thương mại và Thủy sản Quảng Ninh (Vân Đồn) là đơn vị đưa ra thị trường nhiều sản phẩm có yếu tố công nghệ, đầu tư về máy móc. Các sản phẩm của đơn vị cũng được tinh chế kỹ hơn, tiêu biểu là: Ruốc hàu, nem hàu, bánh quy hương vị hàu, tinh chất hàu... Phần lớn trong số các sản phẩm này được thị trường đánh giá cao, được xếp hạng sản phẩm OCOP từ 3-5 sao. Không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, các sản phẩm đã vươn xa ra thị trường ngoài tỉnh hoặc xuất khẩu.
Chế biến, đóng gói sản phẩm ruốc hàu tại Công ty TNHH Thương mại và Thủy sản Quảng Ninh.
Điều đáng mừng là sản phẩm từ hàu của các đơn vị trên chủ yếu được sản xuất với tiêu chuẩn, chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của các đối tác khó tính. Cá biệt các doanh nghiệp trên đã từng bước tiếp cận vào chuỗi sản xuất mặt hàng xuất khẩu, tiêu biểu là: Sản phẩm tinh chất hàu... Đây là sản phẩm có giá trị kinh tế cao, khoảng 3 triệu đồng/kg, được các đơn vị sản xuất gia công, rồi xuất khẩu cho các hãng dược phẩm lớn.
Tuy nhiên, việc sản xuất các sản phẩm gia tăng từ hàu còn gặp nhiều khó khăn. Có thể thấy, các doanh nghiệp hàu chưa khai thác hết được tiềm năng, quy mô của vùng nguyên liệu. Dù đạt giá trị kinh tế cao, nhưng các sản phẩm từ hàu chưa mở rộng được quy mô, sản lượng thấp, tỷ lệ xuất khẩu còn thấp.