Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh, Nghị định 26 của Chính phủ ra đời là cơ sở pháp lý để lực lượng chức năng và ngành chuyên môn chấn chỉnh hoạt động khai thác hải sản của tàu cá ở các vùng biển trong nước, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý và kiểm soát hoạt động nghề cá.
Lâu nay, tình trạng tàu cá hoạt động khai thác hải sản không đúng vùng, không đúng tuyến vẫn thường xuyên xảy ra. Như tàu có chiều dài trên 15m, nhưng lại hoạt động tại vùng lộng, chủ yếu là hành nghề giã cào đôi. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi hải sản ven bờ, mà còn gây mất an toàn cho các tàu công suất nhỏ được phép hoạt động tại khu vực này.
Trong khi đó, tàu có chiều dài dưới 12m, nhưng lại “vươn” ra vùng lộng để khai thác hải sản, gây mất an toàn cho người và tài sản. Tuy nhiên, vì những quy định liên quan đến kích cỡ tàu và các vùng, tuyến khai thác còn chồng chéo, nên lực lượng chức năng khó quản lý và kiểm soát, thậm chí không có chế tài để xử lý khi phát hiện các trường hợp chủ tàu vi phạm.
Điểm mới của Nghị định 26 là, tàu cá đăng ký tại tỉnh nào thì chỉ được hoạt động tại vùng ven bờ của tỉnh đó; trừ trường hợp có thỏa thuận về hoạt động tàu cá ở vùng ven bờ của UBND hai tỉnh. Ngư dân khai thác hải sản ven bờ cho rằng, “quy định này làm khó ngư dân”; còn lực lượng chức năng và ngành chuyên môn thì đánh giá cao quy định này, vì góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân.
Nguồn lợi hải sản ven bờ ngày càng suy giảm, ngư dân thường lén lút xâm phạm vùng biển các địa phương để khai thác, nhưng do chưa có quy định cụ thể, nên lực lượng chức năng giữa các địa phương cũng "xuê xoa" trong công tác quản lý và xử lý các trường hợp vi phạm. Nhưng khi Nghị định 26 có hiệu lực, Chi cục Thủy sản sẽ tham mưu Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh xem xét thỏa thuận, quy định về hoạt động tàu cá vùng ven bờ giữa các tỉnh lân cận.
Bên cạnh đó, Nghị định 26 cũng quy định rõ màu sơn, vạch, cách đánh dấu tàu cá và vẽ số tàu cá tương ứng với kích cỡ, vùng khai thác, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý và kiểm soát hoạt động của tàu cá. Tuy nhiên, vì số lượng tàu khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh lớn (trên 5.600 tàu), nên việc thực hiện những quy định trên sẽ gặp nhiều khó khăn.
Để khắc phục tình trạng trên, Chi cục Thủy sản tỉnh sẽ triển khai hướng dẫn cụ thể cho ngư dân; đồng thời chỉ áp dụng quy định mới về màu sơn, vạch, cách đánh dấu tàu cá và vẽ số tàu cá đối với các tàu đóng mới; còn tàu cá cũ, sẽ có lộ trình thực hiện gắn với quá trình làm nước hằng năm của tàu. Trường hợp ngư dân cố tình không chấp hành, Chi cục Thủy sản tỉnh sẽ không gia hạn giấy phép khai thác hải sản.