Diễn đàn có sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ Tổng cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh, các hộ dân nuôi tôm ở bảy tỉnh ven biển phía Bắc và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản...
Theo Ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia: Nuôi tôm là ngành siêu lợi nhuận nhưng cũng siêu rủi ro. Muốn thành công phải có bí quyết riêng, trong đó phải đảm bảo ba yếu tố quan trọng là tôm giống sạch, nước sạch và đáy sạch. Đây cũng là những yếu tố mà người dân các tỉnh ven biển phía Bắc đặc biệt lưu ý khi nuôi tôm.
Để phòng tránh dịch bệnh và rủi ro cho các doanh nghiệp và người dân, Bà Nguyễn Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc cảnh báo môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc đã hướng dẫn người nuôi cách nhận biết dịch bệnh trên tôm, giới thiệu một số mô hình nuôi tôm bền vững, đạt năng suất cao, kinh nghiệm, kỹ thuật đánh giá và lựa chọn giống tôm đảm bảo chất lượng.
Hiện nay, khu vực phía Bắc từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế có 11 tỉnh/thành phố nuôi tôm nước lợ, diện tích thả nuôi tôm nước lợ khu vực này đạt hơn 34 nghìn ha chiếm 4,9% tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước (trong đó tôm chân trắng là gần 11 nghìn ha, tôm sú là hơn 23 nghìn ha).
Sản lượng tôm nuôi của khu vực đạt 48.382 tấn, chiếm 7,36% tổng sản lượng tôm nuôi của cả nước, trong đó tôm chân trắng đạt 40.114 tấn và tôm sú đạt 8.268 tấn.
Các tỉnh có diện tích và sản lượng tôm chân trắng lớn như Quảng Ninh là 3.277 ha và sản lượng đạt 8.500 tấn; Nghệ An 2.059 ha với sản lượng đạt 6.393 tấn; Hà Tĩnh 1.660 ha với sản lượng đạt 2.804 tấn.
Tại diễn đàn các đại biểu tập trung thảo luận, tư vấn, đối thoại giữa cơ quan quản lý, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và nông dân nhằm đưa ra một số giải pháp phù hợp tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng tôm giống, giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho người nuôi tôm khu vực ven biển phía Bắc, góp phần vào thực hiện đề án tái cơ cấu ngành thủy sản. về hiện trạng, giải pháp quản lý chất lượng giống tôm nước lợ; định hướng phát triển sản xuất tại các tỉnh miền Trung và công tác nghiên cứu chọn giống tôm nước lợ ở Việt Nam.
Gần đây nhất tại hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam được tổ chức vào tháng 2-2017 tại tỉnh Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành chung tay, tạo điều kiện tốt nhất giúp doanh nghiệp, người nuôi tôm phát triển ổn định, bền vững, biến nghề nuôi thành ngành công nghiệp tôm, trở thành “công xưởng” tôm của thế giới, sớm đạt mốc kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD trong kế hoạch đến năm 2025.