Đã thành quen, cứ đến giữa tháng 2 âm lịch, cô hàng cá có cái dáng thắt đáy lưng ong, nói năng sắc lẹm, mà chẳng làm mất lòng ai ở cái xóm nhà tôi, bao giờ cũng phần tôi mớ cá ngần đầu vụ.
Bởi cô bảo từ kinh nghiệm bán cá gia truyền của mẹ mình thì cá ngần sau tết bao giờ cũng ngon vì con cá vừa trải qua một mùa đông dài đói thức ăn, nhưng khi trời nắng lên cá kiếm ăn được bắt đầu vào độ béo.
Mà cái giống cá ngần đến lạ. Chúng kiếm ăn mà như không ăn bởi thức ăn của chúng chỉ là những vi tảo, phù dung trôi nổi trong nước biển. Chắc vì cái đặc tính kén thức ăn này đã tạo ra thân hình con cá một màu trong suốt của nước biển, trắng ngần mà người ta đặt tên luôn nó là cá ngần.
Những người đi biển giỏi sau khi dồn đàn cá ngần vào lưới, họ nhẹ nhàng gói từng bọc cá lại không để chúng quẫy đạp mà vỡ bụng dập ruột, rồi nhanh chóng gửi những chuyến xe đầu tiên đưa về phố.
Chính vì vậy, chẳng hẹn mà gặp, cô hàng cá bao giờ cũng để dành mớ cá ngần ngon nhất tươi nhất mới cất buôn từ biển mang về cho những khách quen.
Làm món cá ngần không cần phải cầu kỳ nhưng chân tay người ta phải thật sạch. Nếu ai thích nấu canh thì chỉ việc chao qua nước muối pha loãng cho con cá hết chất nhờn, rồi chuẩn bị một nồi nước có chút dấm bỗng thanh, đôi quả cà chua thái thật mỏng, nước đun xôi nêm gia vị bột ngọt dầu ăn, đổ cà chua vào, rồi đổ mớ cá đã làm sạch cho nhỏ lửa, đợi cho nồi canh sôi lại lăn tăn, thì cho rau diếp đã được thái mỏng như sợi thuốc lào vào rồi bắc xuống, múc ra bát ăn nóng.
Cái bát canh có màu đỏ của cà chua, màu xanh của rau diếp và màu trắng vàng của những con cá ngần chín tới. Múc một bát nhỏ, húp một ngụm nước canh, thấy cái vị chua chua, thanh thanh của cà chua và dấm bỗng, bỏ một miếng cá và rau vào miệng, lấy đầu lưỡi đè lên vòm miệng, để con cá ngần tan ra, rồi chậm rãi nhai từng miếng nhẹ nhàng, lúc này ta mới cảm nhận được tận cùng cái hương vị của món cá vừa thanh tao vừa sâu sắc, được trộn lẫn cái vị ngọt của cá, vị bùi của rau diếp và cả chút chua thanh của những thứ gia vị.
Thú vui thưởng thức món cá ngần không dành cho người vội, bởi nếu ăn nhanh thì chẳng ai cảm nhận được hết cái vị trong bát canh mà biển đã ban tặng cho bạn vào tháng Hai âm lịch này.
Ngày nay, người ta còn chế ra món chả cá ngần với thịt nạc vai, thì là hay lá lốt, hoặc ai vội thì cho cá ngần vào xào chua ngọt, chiên xù. Mỗi món ăn có một vị riêng nhưng những người sành ăn thì chẳng thể phủ nhận cái vị độc đáo thanh tao của món cá. Với cá ngần, người ta ăn cơm cũng ngon, nhậu cũng tuyệt mà ăn như món khai vị trong bữa tiệc cũng rất hợp lý.
Hóa ra, những con cá trong suốt bé như những đầu đũa như vậy lại tặng cho ta những món ngon như một cô vợ đảm vừa nhã nhặn, nhu mì nhưng không kém phần sắc sảo, khiến ai đã ăn một lần rồi chỉ muốn ăn mãi, cũng như yêu vợ rồi thì muốn yêu thêm. Đúng là cá ngần tháng Hai có những nét duyên thầm mà những kẻ phàm phu không bao giờ khám phá được..