Nâng tầm bằng nhãn hiệu
Mực ống được khai thác ở vùng biển Cô Tô bao giờ cũng được những người sành ăn đánh giá cao hơn hẳn mực đánh bắt ở các vùng biển khác, kể cả mực ông nổi tiếng của Trung Quốc. Từ môi trường đánh bắt biển gần, được đưa ngay về nơi chế biến trên đảo Cô Tô làm cho các sản phẩm mực ống Cô Tô đã trở nên ngon ngọt đặc biệt.
Nổi tiếng là thế nhưng các hộ sản xuất mực khô hoặc mực một nắng ở Cô Tô đều bán sản phẩm không có nhãn mác gây khó khăn cho việc nhận diện, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng như bảo vệ quyền lợi của chính họ và người tiêu dùng.
Trong xu thế hội nhập, cần phải xây dựng thương hiệu cho mực ống Cô Tô, bắt nguồn từ quy trình chế biến sản phẩm theo cách tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm, đó là yêu cầu cấp thiết. Hiểu được xu thế này, TS Trần Thị Dung, Phó giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Dịch vụ thủy sản Hưng Phú, đã phối hợp với các bên liên quan ở tỉnh Quảng Ninh, huyện Đảo Cô Tô, các nhà chế biến và ngư dân địa phương, thực hiện Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Mực ống Cô Tô cho sản phẩm mực ống của huyện Cô Tô”.
Dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của DN thuộc tỉnh Quảng Ninh. Cơ sở chế biến hải sản Thanh Măng của bà Phạm Thanh Măng được chọn làm mô hình trình diễn. Dự án đã hướng dẫn các hộ sản xuất và ngư dân cách bảo quản, vận chuyển nguyên liệu đúng cách, nhằm duy trì chất lượng tốt nhất.
Những người tham gia dự án được chuyển giao công nghệ phơi sấy tiên tiến, đảm bảo chất lượng và nâng cao giá trị cho sản phẩm, khắc phục tình trạng chỉ ngày nắng mới phơi được sản phẩm, theo một quy trình sơ chế, xử lý, phơi sấy, bao gói và bảo quản nhằm bảo đảm tính đồng đều và ổn định cho sản phẩm.
Các hộ tham gia mô hình đều cải tạo hoặc xây mới nhà xưởng, áp dụng chương trình bảo đảm chất lượng VSATTP theo hệ thống Thực hành sản xuất tốt (GMP) và Quy phạm vệ sinh (SSOP). Dù dự án chỉ hỗ trợ một phần nhỏ kinh phí, nhưng bà Phạm Thị Măng chủ cơ sở chế biến đã mạnh dạn đầu tư, mua sắm dụng cụ chế biến, kho lạnh, lò sấy sử dụng không khí sạch.
Dự án cũng hình thành một tổ chức hội của những người cùng sản xuất mặt hàng mực ống, hình thành Ban quản lý nhãn hiệu chứng nhận với sự tham gia của chính quyền và đại diện hội nghề cá địa phương.
Ông Bùi Thế Tuân, Trưởng ban quản lý nhãn hiệu chứng nhận, đánh giá: Dự án giúp người dân Cô Tô làm ra những sản phẩm có chất lượng tốt và ổn định hơn. Với nhãn hiệu chứng nhận và cách tiếp thị mới, mực ống Cô Tô chắc chắn sẽ nhanh chóng bước ra thị trường rộng lớn hơn và sẽ càng có nhiều người biết đến hàng hải sản Cô Tô.
Phương thức sản xuất mới
TS Trần Thị Dung chủ dự án khẳng định: Nhãn hiệu hàng hóa không những giúp phát triển thị trường tiêu thụ và góp phần phát triển kinh tế địa phương, mà còn khuyến khích các hộ gia đình đầu tư mở rộng sản xuất, đồng thời thu hút nguồn nguyên liệu mực về chế biến tại huyện đảo Cô Tô. Thông qua việc tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu, bắt đầu hình thành một phương thức làm ăn mới ở huyện đảo.
Để được phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, trước hết, các sơ sở chế biến buộc phải đầu tư dụng cụ và thiết bị đảm bảo VSATTP, nâng cấp điều kiện sản xuất, kể cả đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Đây là yếu tố quan trọng giữ được chất lượng sản phẩm làm nên thương hiệu mực ông của Cô Tô.
Quá trình sản xuất các cơ sở chế biến phải liên kết chặt chẽ với nhà cung cấp nguyên liệu. Cơ sở chế biến phải cam kết chỉ sử dụng nguyên liệu được đánh bắt từ ngư trường Cô Tô, lưu hồ sơ về thời gian, quy trình chế biến lô hàng từ nguồn nguyên liệu đó...
Các tàu cá cũng được đầu tư dụng cụ bảo quản và cam kết chỉ cung cấp mực nguyên liệu khai thác từ vùng biển Cô Tô. Đó là những bằng chứng để chứng tỏ sản phẩm được ghi nhãn “Mực ống Cô Tô” với đúng nghĩa thực sự của nó và sạch “từ ngư trường đến bàn ăn”...