Nhiều tổ chức nhân quyền cho rằng nhu cầu đối với các sản phẩm tôm ngày càng tăng đã tạo thêm động lực cho ngành tôm Thái Lan bóc lột lao động. Các tổ chức này cho rằng các công ty nước ngoài đã không xác định rõ xuất xứ của tôm NK dẫn tới việc lạm dụng lao động trẻ em trong ngành tôm ở nước này vẫn tiếp diễn.
Một cô bé 14 tuổi di cư từ Myanamar sang Thái Lan đã phải làm việc tại xưởng chế biến tôm 16 giờ/ngày và 7 ngày/tuần với mức lương chưa đến 3 USD/ngày.
Andy Hall, công tác tại Đại học Mahidol ở Thái Lan, người đã theo dõi lao động Myanmar nhập cư vào nước này và đang làm việc trong ngành chế biến tôm, cho biết “Nếu nhìn vào chi phí sản xuất tôm sẽ thấy giá thành rất rẻ bởi ngành tôm đã lạm dụng lao động”.
Mức sống tại Thái Lan ngày càng tăng đã thu hút hàng nghìn dân di cư từ Myanmar và họ đã trở thành lực lượng lao động phổ thông cho nhiều ngành chế biến ở đây. Tỉnh Samut Sakhon, khu trung tâm chế biến ở phía nam thủ đô Bangkok hiện có khoảng 400.000 dân nhập cư đang làm việc tại đây. Tuy nhiên, chỉ có 70.000 người trong số đó có đăng ký hợp pháp.