Lãnh đạo các nước thành viên ASEAN vừa ký Tuyên bố Kuala Lumpur chính thức thành lập Cộng đồng ASEAN (AEC) từ ngày 31-12-2015. Với sự kiện này, ngành thủy sản Việt Nam sẽ có nhiều bước tiến mới, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần tận dụng và tranh thủ các cơ hội để tăng xuất khẩu.
Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, giá trị xuất khẩu thủy sản sang ASEAN tăng trưởng 5-10%/năm. Trong đó, tính riêng 10 tháng đầu năm 2015, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong khu vực tăng 33,6% so với 5 năm trước: cá các loại (thuộc mã 0301 đến 0305 và 1604 trừ cá ngừ cá tra) có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt gần 170 triệu USD, tăng 112% so với năm 2011; giá trị xuất khẩu cá ngừ cũng đạt 31,7 triệu USD, tăng gần 57%; nhuyễn thể (mực, bạch tuộc và nhuyễn thể hai mảnh vỏ) cũng tăng 8,7%.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng nhận định, ASEAN vừa là thị trường xuất khẩu lớn vừa là nguồn cung truyền thống, chất lượng tốt. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2015, tổng giá trị nhập khẩu thủy sản từ ASEAN đạt 87,7 triệu USD, giảm nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài các thị trường nguyên liệu khác như Ấn Độ, Đài Loan, Peru, ASEAN là nguồn cung lớn của các nhà nhập khẩu tôm, cá ngừ, mực, bạch tuộc Việt Nam.
Trong 9 thị trường xuất khẩu khu vực, Thái Lan là đối tác đặc biệt quan trọng của khách hàng thủy sản Việt Nam. Mười tháng đầu năm 2015, giá trị xuất khẩu thủy sản sang Thái Lan đã chiếm đến 44,2% tổng giá trị xuất khẩu sang cả ASEAN, tiếp đó là thị trường Singapore, Malaysia và Philippines.
Nằm trong mối quan hệ láng giềng vừa hợp tác nhưng cũng nhiều cạnh tranh, Thái Lan và Việt Nam là hai nguồn cung hàng đầu thủy sản cho thế giới. Tuy nhiên, nhiều năm trước đây, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam thường yếu hơn so với các nước trong khu vực, nguyên nhân chủ yếu là do thuế nhập khẩu cao, các chính sách pháp luật của Thái Lan, Singapore cũng thuận lợi hơn cho hoạt động nhập khẩu nguyên liệu để xuất khẩu.