Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) đã gửi Công văn số 33/2020 tới Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường báo cáo về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Hải quan, hai tháng đầu năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt trên 991 triệu USD, giảm gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất xuất khẩu, ảnh hưởng nhiều nhất đến thị trường Trung Quốc trong hai tháng đầu năm, khiến kim ngạch xuất sang thị trường này giảm mạnh 44%. Xuất khẩu sang EU cũng giảm mạnh 20%, các thị trường khác như ASEAN, Hàn Quốc giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
30% đơn hàng bị hủy
Tỉ lệ các đơn hàng vẫn được giao bình thường theo hợp đồng đã ký của doanh nghiệp thủy sản chỉ chiếm 30%-50%. Trong khi đó, tỉ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn và tỉ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng hoặc hủy khá cao (lần lượt 20%-40% và 20%-30%).
Các thị trường có tỉ lệ khách hàng yêu cầu hoãn giao hàng hoặc hủy đơn hàng tập trung chủ yếu tại thị trường châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc. Các thị trường khác như Nhật Bản, Mỹ, Nga,... cũng có các đơn hàng bị hoãn và hủy nhưng không nhiều như nhóm thị trường kể trên.
Đặc biệt tại thị trường châu Âu phần lớn các đơn hàng tôm bị yêu cầu hoãn hoặc hủy đơn hàng.
Nguyên nhân chính được khách hàng đưa ra là do Chính phủ các nước đóng cửa biên giới vì dịch COVID-19. Khách hàng không bán được hàng nên không nhập hàng tiếp, các cửa hàng dịch vụ thực phẩm cũng ngừng hoạt động.
Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ gần như không có các đơn hàng mới trong quý II, quý III-2020, một số doanh nghiệp khác có được đơn hàng mới nhưng không nhiều.
Hầu hết các doanh nghiệp thủy sản ở cả ba nhóm hàng (tôm, cá tra, hải sản khai thác) đều gặp khó khăn trong vấn đề tài chính vì doanh nghiệp thu hồi tiền hàng từ khách hàng chậm và rất chậm. Doanh thu xuất khẩu giảm mạnh. Vì vậy, doanh nghiệp không xoay vòng được vốn, không có tiền trả các khoản vay lãi suất cao của ngân hàng.
Lo thiếu nguyên liệu trầm trọng
Hiện tình hình ngập mặn tại các tỉnh ĐBSCL đang ảnh hưởng đến việc nuôi trồng nguyên liệu thủy sản cho chế biến và xuất khẩu. Kho lạnh của doanh nghiệp đã bị đầy vì chứa hàng tồn kho nên không chứa được nguyên liệu.
Nhiều kho lạnh đã được các doanh nghiệp cá tra thuê để trữ nguyên liệu cá tra, dẫn đến các doanh nghiệp tôm không còn hay thuê được kho lạnh để trữ nguyên liệu tôm buộc các doanh nghiệp tôm tại ĐBSCL đang phải chuyển thuê kho lạnh ở miền Trung để trữ nguyên liệu tôm và hỗ trợ mua tôm nguyên liệu cho người dân.
Nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng bị thiếu hụt. Với các doanh nghiệp hải sản khai thác, nguồn nguyên liệu nhập khẩu bị thiếu khoảng 50%. Với các doanh nghiệp tôm hiện đang ngưng nhập tôm do không còn kho lạnh chứa (cả kho của doanh nghiệp và kho thuê) và các đơn hàng bị giảm.
Trong thời gian tới, khi dịch COVID-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất xuất khẩu được phục hồi thì nguồn nguyên liệu hiện có cũng chỉ có thể đáp ứng được 50%-70% nhu cầu sản xuất.
Ngoài ra, các doanh nghiệp thủy sản đang gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển các container hàng hóa xuất nhập khẩu vì nhiều chuyến tàu bị trì hoãn nhiều ngày, thậm chí bị hủy chuyến. Các hãng tàu biển cắt giảm các chuyến tàu, thay đổi hành trình và cảng đến làm cho thời gian vận chuyển dài, doanh nghiệp bị phát sinh nhiều chi phí.
Đề xuất giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp
Trước tình hình khó khăn, Vasep kiến nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT báo cáo hoặc có ý kiến đề nghị với Chính phủ và các bộ xem xét đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động miễn nộp kinh phí công đoàn (2% quỹ lương) trong năm 2020 và tạm dừng việc đóng bảo hiểm xã hội đến cuối năm 2020, không tính lãi nộp chậm.
Vasep kiến nghị xem xét giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020; xem xét giảm giá điện cho các nhà máy sản xuất, kho lạnh trữ hàng và cho phép gia hạn thời gian thanh toán tiền điện; tạm ngưng thu phí BOT đến hết năm 2020 để giảm chi phí vận chuyển.
Ngoài ra, Vasep mong muốn các bộ, ngành giảm tần suất và số lượng các cuộc thanh tra - kiểm tra thường xuyên và đột xuất nhằm giảm áp lực về thời gian và nhân lực cho các doanh nghiệp thủy sản.
Doanh nghiệp thủy sản đề xuất gói hỗ trợ cho vay lãi suất thấp cho các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận với gói vay lãi suất ưu đãi này; đề nghị các ngân hàng cho gia hạn nợ, không chuyển thành nợ xấu, không phạt nợ quá hạn tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục sản xuất.
Bên cạnh đó, Vasep đề xuất Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích xuất khẩu cho bối cảnh năm 2020-2021, giảm thiểu các thủ tục hành chính.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu đáp ứng cho sản xuất xuất khẩu của các doanh nghiệp sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, kiến nghị Chính phủ và Bộ NN&PTNT có kế hoạch và quy hoạch về vùng nuôi nguyên liệu tôm, cá tra; hỗ trợ cho người nuôi để khuyến khích người nuôi tiếp tục thả giống mới trong thời gian này; sửa đổi và cải cách các quy định kiểm soát nhập khẩu hàng thủy sản cho mục đích xuất khẩu.