Một trong những nội dung nổi cộm tại Hội nghị Tầm nhìn toàn cầu lãnh đạo nuôi trồng thủy sản năm 2012 (GOAL 2012) do Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA) tổ chức tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 30/10 – 2/11/2012 là cả nhà NK Mỹ và nhà chế biến tôm Thái Lan có thể sẽ phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến việc lạm dụng lao động trẻ em và buôn người tại Thái Lan.
Tại buổi kết thúc hội nghị, Travis Larkin, Giám đốc công ty Seafood Exchange và hiện đang công tác tại GAA và Hiệp hội Thủy sản Quốc gia Mỹ (NFI) đồng thời cũng là Chủ tịch Hiệp hội Tôm Quốc gia Mỹ, đã nhấn mạnh đến tính cấp bách của việc giải quyết vấn đề lạm dụng lao động trẻ em tại Thái Lan.
Tình trạng lạm dụng lao động trẻ em diễn ra ở các cơ sở chế biến tôm bất hợp pháp. Các cơ sở này thường thuê lao động là dân Myanmar nhập cư và bắt họ làm việc trong các điều kiện được cho là lạm dụng lao động. Ở một số nơi trong ngành dệt may Thái Lan cũng có điều kiện làm việc tương tự.
Ngày 30/10/2012, GAA và NFI đã tổ chức cuộc họp giữa phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Thái Lan và các nhà NK Mỹ để thu thập thông tin mới nhất về nguy cơ khủng hoảng thương mại giữa Mỹ và Thái Lan liên quan đến vấn đề này.
Theo luật, hàng năm chính phủ Mỹ đánh giá các nước về vấn đề nhân quyền, trong đó có đánh giá việc sử dụng lao động trẻ em hay buôn người. Báo cáo nạn buôn người (TIP) có 3 cấp độ. Cấp độ 1 gồm các nước tuân thủ hoàn toàn luật chống lạm dụng trẻ em. Cấp độ 2 gồm các nước chưa tuân thủ hoàn toàn luật này nhưng có nỗ lực trong việc tuân thủ luật. Cấp độ 3 gồm các nước như Iran, Libya, Triều Tiên và Kuwait là những nước mà Mỹ đã có bằng chứng rõ ràng về việc lạm dụng lao động nhưng chính phủ những nước này không có động thái gì nhằm cải thiện tình hình và nỗ lực tuân thủ luật.
Tại cuộc họp, đại diện phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Thái Lan cho biết Thái Lan có thể bị xếp vào cấp độ 3 trong bản báo cáo nhân quyền sẽ được công bố vào tháng 3/2013 vì chính phủ Mỹ đã có bằng chứng cho thấy nước này lạm dụng lao động trẻ em và chính phủ không nỗ lực cải thiện tình hình.
Nhiều nhà NK Mỹ cũng khẳng định tại cuộc họp rằng nếu Thái Lan bị xếp vào cấp độ 3, chắc chắn họ sẽ không thể tiếp tục mua tôm của nước này. Một số nhà NK Mỹ cho biết sẽ không thể tiếp tục NK tôm Thái Lan để bảo vệ uy tín và thương hiệu của họ. Mỹ hiện nay là thị trường tiêu thụ lớn nhất của tôm Thái Lan.
Lạm dụng lao động trẻ em không còn là vấn đề của riêng ngành tôm nữa. Nhiều công ty XK và nhiều công ty hội viên của Hiệp hội Tôm Thái Lan đã tuân thủ rất nghiêm luật lao động của Thái Lan, không sử dụng lao động trẻ em và không vi phạm các điều khoản về lạm dụng lao động hay buôn người.
Chính phủ Thái Lan đã không thực hiện các bước cần thiết và không đủ nguồn lực để thực thi luật hiện hành dẫn tới các hoạt động vi phạm luật lao động vẫn tiếp diễn tại các cơ sở chế biến tôm (các cơ sở này có khi chỉ xuất hiện và hoạt động vài tháng rồi đóng cửa).
Phía Mỹ kêu gọi các công ty chế biến phải tạo sức ép lên chính phủ nhằm ngăn chặn nguy cơ bị đưa xuống cấp độ 3 trong báo cáo nhân quyền sắp tới. Giải pháp duy nhất hiện nay, theo nhiều ý kiến tại cuộc họp, là chính phủ Thái Lan phải chứng minh nỗ lực thật sự trong việc thực thi luật lao động như bắt giữ và truy tố các đối tượng vi phạm luật lao động và luật về buôn người.
Một ngày sau cuộc họp này, Hiệp hội Thực phẩm đông lạnh Thái Lan, Hiệp hội Tôm Thái Lan và 10 hiệp hội tôm địa phương đã gửi thư ngỏ về vấn đề này tới Thủ tướng Thái Lan, đăng tải trên tờ Bangkok Post.
Nguồn cung tôm toàn cầu 2012 ước giảm trên 7%
Cũng tại hội nghị này, dự báo về nguồn cung tôm toàn cầu năm 2012 sẽ giảm 7,1% tương ứng với 270.000 tấn. Đây là kết quả khảo sát nguồn cung tôm từ 30 nhà cung cấp tôm trên toàn thế giới. Năm 2010 và 2011, nguồn cung tôm thế giới đạt khoảng 3,85 triệu tấn.