Hiệu quả ở Quỳnh Long
Khoảng 3 năm trở lại đây, nhờ đồng loạt chuyển đổi sang nghề vây, ngư dân xã Quỳnh Long ra khơi đánh bắt luôn đạt sản lượng cao, thu về hàng trăm triệu đồng/chuyến. Đây được xem là tín hiệu vui cho bà con ngư dân trong kỳ tích bám biển khai thác thủy, hải sản.
Ông Trần Quang Vệ - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Long cho biết, trước đây ngư dân trên địa bàn thường đánh bắt hải sản bằng nghề chụp 2 sào, 4 sào. Năm 2003, thực hiện dự án phát triển nghề đánh bắt xa bờ, một số ngư dân ở xã được đi tham quan học hỏi tại các tỉnh có biển phía Nam và của các nước bạn như Thái Lan, Đài Loan... Trong lần tham quan, học tập kinh nghiệm đánh bắt đó, ngư dân đã đúc rút được kinh nghiệm, sau khi về nhà đã quyết định chuyển đổi từ nghề chụp sang nghề vây để khai thác hải sản.
Trong những lần vươn khơi đánh bắt bằng nghề lưới vây, sản lượng hải sản tăng cao hơn trước, ngư trường đánh bắt mở rộng, đặc biệt nghề vây khai thác nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao. “Từ năm 2007, hàng chục phương tiện đánh bắt của người dân địa phương đã chuyển đổi sang nghề lưới vây.
Đỉnh điểm là từ năm 2013 - 2016, tàu lưới vây chiếm 1/2 tổng số tàu thuyền của xã. Mỗi tàu vây khi vươn khơi đánh bắt đều cho sản lượng, giá trị kinh tế cao. Nhiều ngư dân đầu tư đóng mới, mua thêm tàu để hoạt động khai thác với quyết tâm làm giàu”. Ông Trần Quang Vệ chia sẻ thêm.
Toàn xã Quỳnh Long có 170 phương tiện tàu thuyền, trong đó có 93 phương tiện nghề vây. Hiện nay, có những hộ gia đình sở hữu 2 - 3 tàu đi khai thác hải sản như gia đình anh Nguyễn Văn Minh ở thôn Đại Bắc và anh Nguyễn Sáng ở thôn Đại Hải (3 chiếc). Những hộ ngư dân trên đã mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi nghề có hiệu quả và được xem là gương làm giàu từ nghề các của xã, bình quân mỗi tháng thu nhập trên 300 triệu đồng/hộ.
Nói về hiệu quả từ nghề vây, ngư dân Nguyễn Bá Thảo ở thôn Phú Liên cho biết, nghề vây có ưu điểm vượt trội hơn các nghề khác bởi khả năng đánh bắt đạt sản lượng cao, bất kỳ ngư trường nào cũng có thể khai thác được, độ an toàn cũng cao; hơn nữa nghề vây khi đánh bắt đảm bảo được nguồn lợi thủy sản, không mang tính tận diệt. Với kinh nghiệm đi biển lâu năm, sử dụng phương tiện nghề vây hiện đại với nhiều máy móc tân tiến, nhiều năm qua, tàu của anh Thảo đánh bắt đạt thắng lợi.
Nếu như đánh bắt bằng nghề chụp 2 sào như trước đây, mỗi chuyến vươn khơi từ 7 - 10 ngày, tàu của anh đánh bắt thu về từ 100 - 150 triệu đồng/chuyến, nhưng từ khi chuyển đổi sang nghề vây, mỗi chuyến đều mang về nguồn thu nhập từ 300- 400 triệu đồng, có những chuyến gặp may thu về hơn nửa tỷ đồng. “Chuyến vừa rồi, mặc dù chưa vào vụ khai thác nhưng so với năm trước vẫn xem là chuyến cho sản lượng, giá trị cao với tổng thu nhập 650 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, mỗi thuyền viên thu về 8 - 10 triệu đồng” - anh Thảo cho hay.
Năm 2017, nhờ có đội tàu khai thác bằng lưới vây đã giúp địa phương tăng nhanh về sản lượng khai thác cũng như doanh thu. Theo số liệu, quý 1/2017, toàn xã Quỳnh Long khai thác được 2.200 tấn, giá trị ước đạt 58, 5 tỷ đồng. Sản lượng khai thác hàng năm đạt từ 30.000 - 32.000 tấn/năm.
Với sự phát triển của đội tàu khai thác hải sản xa bờ, trong những năm trở lại đây, xã Quỳnh Long đã thu hút 1.800 lao động nam tham gia đi biển và trên 2.500 lao động nữ làm nghề vá lưới và kinh doanh dịch vụ thủy sản ở địa bàn. Từ đó, tạo việc làm ổn định cho người dân, tăng thêm nguồn thu nhập.
Đầu tư đóng tàu công suất lớn
Thời gian qua, để đáp ứng với điều kiện đánh bắt xa bờ, nhiều ngư dân ở các xã vùng biển Quỳnh Lưu đã đóng mới, nâng cấp tàu thuyền, lắp đặt các thiết bị máy dò hiện đại để khai thác đạt hiệu quả. Xã Tiến Thủy là một trong những địa phương có nhiều ngư dân mạnh dạn vay vốn, đóng mới tàu thuyền.
Điển hình có ngư dân Nguyễn Kim Đương ở giáo xứ Mành Sơn, xã Tiến Thủy. Thực hiện chương trình đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ, ông Đương đã mạnh dạn đăng ký đóng tàu vỏ sắt với kinh phí gần 16 tỷ đồng; tháng 8/2016, tàu được bàn giao và đưa vào hoạt động. Với sự dày dặn kinh nghiệm đi biển cộng với sử dụng con tàu hiện đại, nên sau mỗi lần ra khơi, tàu của ông đánh bắt được nhiều hải sản.
Bình quân mỗi chuyến ra khơi đánh bắt, tàu của ông thu về nguồn hải sản có giá trị như cá thu, cá hố, cá chim với thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng/chuyến, cao gấp 2 lần so với tàu vỏ gỗ trước đây. Toàn xã Tiến Thuỷ hiện có trên 324 phương tiện tàu thuyền với tổng công suất 85.653 CV. Mỗi năm, địa phương cải hoán, đóng mới từ 10 - 15 phương tiện có công suất từ 900 CV - 1.100 CV. Riêng năm 2016, địa phương đã đầu tư đóng mới 18 phương tiện tàu thuyền có giá trị hàng trăm tỷ đồng, trong đó có 6 tàu đóng mới theo Nghị định 67 (2 tàu vỏ sắt, 4 tàu vỏ gỗ).
Thực hiện chương trình đóng tàu theo Nghị định 67/CP, Nghị định 89/CP, Nghị định 172/CP, Quỳnh Lưu là địa phương có số lượng người tham gia dự án đóng tàu cao nhất tỉnh. Tính đến nay, đã có 37 dự án triển khai thực hiện, trong đó 32 dự án đã được ngân hàng giải ngân ký hợp đồng tín dụng (28 tàu vỏ gỗ, 4 tàu vỏ sắt) đi vào hoạt động và giải ngân 242,81 tỷ đồng. Nhờ phát triển mạnh đội tàu có công suất cao đã đáp ứng được nhu cầu đánh bắt xa bờ của ngư dân địa phương.
Ông Bùi Xuân Trúc - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết, năm 2016, trên địa bàn huyện có khoảng hơn 100 phương tiện tàu thuyền xuống cấp, công suất nhỏ được ngư dân bán để đóng mới tàu có công suất lớn vươn khơi đánh bắt xa bờ. Huyện luôn khuyến khích ngư dân nâng cấp tàu có công suất lớn để đánh bắt có hiệu quả, giảm dần đội tàu khai thác gần bờ. Một tín hiệu vui cho bà con ngư dân hiện nay đó là trong quá trình đánh bắt, nhiều loại hải sản có giá trị cao như cá chìa vôi, cá mòi, cá đốm, cá sốc đá, cá mè hương.. đã xuất hiện trở lại. Những loài cá trên góp phần làm phong phú nguồn hải sản biển, ngư dân có thể vừa khai thác vừa bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Tại thời điểm đầu tháng 4/2017 này, ngư dân huyện Quỳnh Lưu đang vào mùa khai thác cá bạc má, cá đốm, mực tươi, cá hố xuất khẩu. Những chuyến cập bến đầy ắp cá, tôm đều được thương lái từ các tỉnh như Quảng Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… thu mua và xuất khẩu. Nhờ đó, cá được bán với giá khá cao, cá bạc má tại bến có giá từ 50.000 - 55.000 đồng/kg, cá đốm giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, cá hố xuất khẩu có giá từ 200.000 - 220.000 đồng/kg, cá ù có giá 50.000 đồng/kg...
Trong quý 1/2017, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản toàn huyện ước đạt 10.062 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2016. Kế hoạch sản lượng khai thác hải sản năm 2017 của huyện sẽ đạt khoảng từ 49.000 tấn - 50.000 tấn/năm. Với niềm vui được mùa biển trong những tháng đầu năm, ngư dân Quỳnh Lưu càng thêm hy vọng cho những chuyến vươn khơi tiếp theo gặp thắng lợi.