Mỗi năm vào thời điểm gió giao mùa, bãi nghêu lại tấp nập những người lao động thời vụ cào nghêu giống. Trong một chòi lá dựng tạm bợ trên bãi biển đã có hàng chục lao động đang đang chờ nước biển ròng để ra bãi cào nghêu.
Dưới bầu trời đang kéo mây mưa đen kịt, tiếng cười tiếng đùa của dân cào nghêu khiến khách lạ cảm thấy ngạc nhiên. Hỏi thăm thì được biết tiền công một giờ cào nghêu là 50,000 VND, và lý do làm họ vui là hôm nay trên bãi của ông T có nghêu cám về, có việc làm.
Tuy tiền công được tính theo giờ nhưng không phải ngày nào cũng có việc và khi có việc cũng chỉ làm một số giờ theo ý chủ bãi nghêu.
Một người đàn ông trung niên nhìn trời rồi nói. " Chuyển mưa lớn như vầy, chắc là chỉ cào được một giờ là cùng." Có tiếng phụ nữ nói theo. " Bi nhiêu bi, có cào là có tiền."
Đi theo nhóm lao động cào nghêu ra biển, dưới chân là bãi cát đen, trên đầu bầu trời mây mưa đen, chúng tôi háo hức muốn thấy việc cào nghêu cám, những người lao động muốn nhanh nhanh cào nghêu cho đủ giờ công trước khi mưa lớn kéo tới; thành ra cả đoàn người cứ hâm hở đi vào phía biển như đi ăn đám.
Trên bãi, từng mốp năm bảy lao động xếp thành hàng so le, họ khom lưng, hai tay đè cái lưới cào kéo cát, rồi đổ cát vào từng cái bao. Lần đầu tiên chúng tôi được chứng kiến cảnh kéo lưới cào không phải để bắt con cá con tôm mà là bắt từng hột cát.
Chúng tôi mắt dán sát vô khối cát đen vừa được cào để cố phân biệt đâu là cát đâu là con nghêu cám, nhưng vô phương phân biệt.
Được những người cào nghêu chỉ, chúng tôi tìm đến một người đàn ông có râu quai nón như tài tử điện ảnh, ông là chuyên gia coi nghêu này, tay ông cầm một cái đĩa nhựa, tay cầm một cái vợt nhỏ, ông ta liên tục hớt lớp cát trên mặt bãi rồi đổ vào cái đĩa màu trắng, tay ông nghiêng nghiêng cái đĩa, lớp cát mỏng chao qua chao lại, ông nhìn châm bẩm vào lớp cát để tính trử lượng nghêu cám trong cát biển.
Hỏi chuyện ông, ông cho biết. Nghêu cám theo gió, theo sóng lúc giao mùa về bãi, nếu không kịp cào thì cũng theo gió, theo sóng ra đi. Cái thời nghêu đẻ ít, người cào nhiều mà hớ hên thì bán nhà.
Rồi ông cố chỉ cho chúng tôi cách phân biệt nghêu cám với cát, nhưng trước sau chúng tôi cũng chỉ thấy cát chớ không thấy hình dạng con nghêu cám ra sao.
Ông nói " Một lúc nữa, anh lên mấy cái dèo (hồ nước nhỏ) trên kia chờ coi sàng cát lấy nghêu cám " Nhìn theo hướng ông chỉ chúng tôi thấy những chiếc xe Honda thồ những bao cát về chất đống bên cạnh những cái dèo, tiền công xe thồ chở cát được chủ bãi nghêu tính trên đơn số lượng bao cát vận chuyển về dèo.
Những nhân công ở biển Tân Thành đang chuẩn bị xuống bãi cào nghêu. (Hình: Bùi Trần/Người Việt)
Con nghêu cám sau khi được sàng lọc khỏi lớp cát sẽ được đưa vào dèo để nuôi thêm khoảng mười ngày thì nghêu lớn bằng hạt bụi, đầu tăm. Sau đó mỗi con được bán cho các chủ bãi nuôi nghêu thịt, giá khoảng từ 3 đế 5 đồng VND một con.
Cứ thử hình dung, một con nghêu cám cỡ hạt bụi mà đã có gíá trồi sụt theo thị trường giống như như vàng hoặc đô la thì không có biển nào đủ để thỏa mãn cơn khát lợi nhuận; thế nên chuyện cướp nghêu, giết người vì nghêu là chuyện thường ngày.
Để biết lợi nhuận khủng từ những bãi nghêu chỉ cần điểm qua vài con số sau đây: Diện tích bãi nghêu Tân Thành Gò Gông khoảng 1,500 ha, giá nghêu thịt trên dưới 20,000 VND một ký, năng xuất mỗi ha khoảng từ 15 đến 20 tấn/ha.
Ở các tỉnh phía nam còn có những bãi nghêu rộng lớn khác như ở Bến Tre, Trà vinh, Cà Mau...
Một chủ bãi nghêu muốn dấu tên, ông cho biết. Ông thầu được vài mẫu, so với cán bộ địa phương và những cấp cao hơn thì anh bãi của anh chỉ là một manh chiếu.
Mấy năm gần đây, biển ô nhiểm nghêu thịt chết liên tục có nhà thất trắng tay nhưng cán bộ lớn có vốn đen vốn đỏ chống lưng, thất mùa họ gồng được còn mình yếu, nếu buôn tay thì họ nuốt gọn.
Từ sau biến cố 1975, Bãi biển Tân Thành-Gò Công Đông từ chỗ là biển bùn bỏ hoang hoặc để chăn thả vịt, thì ngày nay đã biến thành bãi vàng khai thác triệt để con nghêu và nhân công giá rẻ mạt.