Được chọn làm một trong những đối tượng chuyển đổi chính, nghề vây rút chì có đặc điểm hoạt động theo nguyên tắc lọc nước lấy cá, thuộc họ nghề chủ động tìm cá đánh bắt. Có nhiều loại nghề lưới vây và tùy theo đối tượng khai thác, lưới vây có các mắt lưới khác nhau; ngoài ra còn phân ra nghề vây ngày, vây kết hợp ánh sáng (ngư dân gọi là vây đảo ngày). Anh Nguyễn Quách Trường Thanh, Trưởng phòng Khai thác và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản tỉnh) cho biết: Ở tỉnh ta, tàu chuyên nghề vây rút chì có khoảng trên 30 tàu cá (công suất máy từ 250 CV trở lên) của ngư dân làng biển Khánh Hội, xã Tri Hải và khoảng 15 chiếc nghề lưới vây rút của ngư dân xã Thanh Hải (Ninh Hải) nhưng thường phải kiêm nghề pha xúc để đánh cá nổi. Để hành nghề, tùy theo lớn nhỏ, các tàu vây rút chì còn phải phối hợp với từ 1-2 tàu chong đèn (tức ghe chong). Trong vụ cá Nam vừa qua, hầu hết tàu nghề vây rút thực hiện khai thác hải sản trên vùng lộng xa đạt hiệu quả. Ông Hoàng Viết Sung, ngư dân làng biển Khánh Hội có chiếc ghe chong 130 CV, chia sẻ: Tôi làm chung với tàu lưới vây 550 CV của anh Huỳnh Thanh Chi, người vừa có chuyến đi Trường Sa về. Mấy năm nay, hiểu được đặc điểm nghề lưới vây rút chì, chúng tôi đang rời bỏ dần vùng lộng để chuyển sang nghề vây khơi đi đánh bắt ở biển xa.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Chi cục Thủy sản, tỉnh ta còn có 283 tàu vây rút có mắt lưới cực nhỏ (ngư dân hay gọi là vây rút mùng), bao gồm 123 chiếc ở Ninh Hải, 10 chiếc của Tp. Phan Rang-Tháp Chàm và 150 chiếc thuộc huyện Thuận Nam, tập trung đông nhất tại vùng Cà Ná (120 chiếc), Phước Diêm (30 chiếc); so với năm 2014, toàn tỉnh đã tăng 87 chiếc. Vốn là nghề mang tính hủy diệt đang bị cấm, điều đáng lo là trong hoạt động khai thác, ngư dân hành nghề vây rút mùng còn lén lút sử dụng chất nổ, đe dọa trầm trọng môi trường và nguồn lợi sinh vật biển. Vì vậy, việc chuyển nghề vây rút mùng sang nghề vây rút chì đánh bắt vùng lộng, tiến đến phát triển nghề vây khơi là hướng đi cần thiết được ngành chức năng hết sức quan tâm.
Theo lý giải của ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, do bản thân lưới vây rút mùng cũng là họ lưới vây rút chì tương đồng trong khai thác đánh bắt, chỉ khác nhau ở tốc độ tàu chạy và kích cỡ mắt lưới nên chuyển đổi sang nghề vây ngày là hoàn toàn phù hợp. Có thể thấy ngoài thay lưới nghề, yếu tố quan trọng trong chuyển đổi nghề lưới vây rút chì là tăng năng lực tàu cá. Nhờ việc chuyển nghề đang có chính sách khuyến khích, cho vay ưu đãi của Nhà nước nên sẽ không lo về vốn, vấn đề là phải tuyên truyền thay đổi nhận thức của ngư dân tại các vùng trọng điểm hành nghề lưới vây rút mùng như Cà Ná, Phước Diêm, Khánh Hải. Nếu chuyển được nghề vây rút mùng sang lưới vây ngày, hệ rạn san hô ven bờ với nguồn lợi thủy sản phong phú sẽ được bảo vệ tốt hơn. Đối với nghề lưới vây lộng, một khi chuyển sang vây khơi, sẽ mở rộng ngư trường ở vùng biển giàn khoan DK1 và quần đảo Trường Sa, đánh bắt được nhiều cá có giá trị kinh tế cao hơn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ đầu năm đến nay, nghề lưới vây rút chì đã đánh bắt trúng đậm. Trong vụ cá Nam, ở Khánh Hội có tàu lưới vây thu được trên dưới 1 tỷ đồng, mỗi bạn (lao động trên tàu) được chia bình quân 50-60 triệu đồng sau khi đã trừ hết chi phí; nhiều tàu gặp luồng cá liên tục, có tháng chia được 20-30 triệu đồng/bạn. Tuy đã vào vụ Bấc, đa số tàu lưới vây neo bờ để tu bổ, song một số tàu còn hoạt động vẫn đánh bắt hiệu quả; đơn cử tuần lễ kề trước cơn bão số 12 (từ ngày 30-10 đến 3-11), trong sản lượng 1.130 tấn hải sản khai thác, chỉ tính riêng nghề lưới vây đã đạt 322,3 tấn hải sản các loại. Có thể nói nghề lưới vây đang ngày càng cho thấy hiệu quả khi chuyển dịch ngư trường xa. Ông Nguyễn Văn Hồng cũng ở Khánh Hội, chủ tàu cá 365 CV hành nghề lưới vây tâm sự: Ngoài vấn đề vây rút mùng, hiện nay chỉ còn khắc phục được tình trạng thiếu bạn đi tàu, hoạt động đánh bắt của tàu lưới vây sẽ có cơ hội phát triển hơn nữa.
Nhìn chung, trong xu thế phát triển mới, bên cạnh chuyển nghề vây rút mùng sang nghề vây rút chì đánh bắt vùng lộng, chính sự gia tăng tàu cá có công suất lớn đang tác động tích cực cho việc chuyển dịch cơ cấu trong nghề lưới vây rút chì. Đây là nhân tố quan trọng góp phần cùng với các nghề khai thác vươn ra khơi xa theo như mục tiêu Đề án Tổ chức lại nghề khai thác hải sản tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2017–2020 đặt ra.