Hội đồng nghiệm thu gồm: ThS. Phạm Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ làm Chủ tịch hội đồng, ThS. Nguyễn Thu Dung là Ủy viên Phản biện 1, ThS. Nguyễn Thị Quế Phụng là Ủy viên Phản biện 2 và một số thành viên cùng tham gia hội đồng.
Thời gian gần đây trên tuyến sông Cái thuộc xã Vĩnh lộc A, huyện Hồng Dân đoạn giáp với Vàm Chắc Băng của huyện Vĩnh Thuận tỉnh Kiên Giang đã phát hiện một bãi vọp có diện tích rộng khoãng 70 - 80 ha có trữ lượng khá lớn. Việc phát hiện bãi vọp ven sông Cái là nguồn lợi thủy sản mới, mang lại hiệu quả kinh tế cho cộng đồng dân cư địa phương. Vì vậy mục đích thực hiện đề tài nhằm xác định trữ lượng vọp và đề xuất giải pháp khai thác bảo vệ nguồn lợi vọp tại sông Cái Ba Đình huyện Hồng Dân.
Qua 04 đợt khảo sát trên 10 điểm thu mẫu từ tháng 7/2013 – 01/2014 và phân tích thu thập các chỉ tiêu về môi trường (nhiệt độ và độ mặn), định loại vọp, đánh giá trữ lượng của quần thể và đề xuất giải pháp quản lý. Kết quả thu được như sau:
- Tuyến sông Cái Ba Đình nhận nguồn nước từ sông Cái Lớn, có độ mặn biến động từ 0 - 15 ppt trong khoảng thời gian khảo sát; độ mặn cao nhất vào tháng 9/2013 và thấp nhất vào tháng 01/2014.
- Định danh loài vọp tại vùng nghiên cứu là loài vọp Polymesoda erosa, vọp xuất hiện đều ở các điểm thu mẫu, mật độ biến động từ 0,5 – 6,9 con/m2, mật độ trung bình của quần thể vọp đạt cao nhất vào đợt 1 là 3,5 con/m2, sinh lượng vọp biến động từ 7,5 gram/m3 – 91,2 gram/m3, sinh lượng trung bình cao nhất đạt giá trị 47,8 gram/m3.
- Qua kết quả khảo sát cho thấy các chỉ tiêu sinh trưởng của quần thể vọp về kích thước, khối lượng, trọng lượng thịt tươi đạt giá trị cao nhất khi độ mặn đạt cao nhất là 15ppt.
- Trên cở nghiên cứu tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, kết quả nghiên cứu của đề tài đã đề xuất giải pháp quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi vọp tại sông Cái Ba Đình, huyện Hồng Dân bằng mô hình đồng quản lý tại xã Vĩnh Lộc A huyện Hồng Dân thí điểm. Thông qua các hoạt động: thành lập các nhóm đồng quản lý, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, nâng cao năng lực cộng đồng, hỗ trợ kỹ thuật xây dựng quy chế đồng quản lý, phân chia ranh vùng bãi bồi, đào tạo và giám sát. Kế hoạch thực hiện của mô hình đồng quản lý được áp dụng theo Nghị định số 33/2010/NĐ_CP ngày 31/3/2010 gồm có các bên tham gia có Phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân, Công an huyện/xã, cán bộ địa phương và các tổ chức Đoàn thể, chính trị.
Kết quả đánh giá xếp loại đề tài đạt loại xuất sắc./.