Những ngày này, tại các vùng bãi ngang ở huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, hàng chục tàu thuyền công suất dưới 60 CV cập bờ với khoang đầy ắp cá mờm cơm. Ngư dân bỏ cá vào khay nhựa hoặc thuyền thúng, tập trung thành từng nhóm vận chuyển lên bờ để nhập cho thương lái.
Bà Nguyễn Thị Tam, 60 tuổi, trú xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà) cho biết, mùa cá mờm cơm bắt đầu từ tháng 9, kéo dài đến hết năm. Loài này sống cách bờ khoảng 2-3 hải lý, các tàu thuyền thường ra khơi lúc tờ mờ sáng, trở về vào buổi trưa hoặc đầu giờ chiều.
"Cá mờm cơm xuất hiện theo luồng. Khi may mắn bủa lưới trúng luồng cá, có thuyền thu về cả tấn. Lúc này đang vào vụ, trung bình một lần ra khơi, một thuyền gồm bốn lao động đánh bắt được từ 200-400 kg", bà Tam nói.
Cá được thương lái thu mua tại bờ biển, một kg giá 5.000 đồng. Khoảng 5 tiếng ra khơi, trung bình mỗi tàu lời 1-3 triệu đồng sau khi trừ các chi phí. "Cá mờm cơm thịt thơm, được nhiều người ưa chuộng. Chúng sống gần bờ nên thời gian đi biển ngắn, dễ sắp xếp", ông Trần Văn Thành, trú xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, cho biết.
Ngoài ướp đá đưa đi bán lẻ tại chợ hoặc nhập cho các nhà hàng, nhiều ngư dân và thương lái vận chuyển cá về nhà, đem phơi làm cá mờm khô. Những tấm phản tre bọc lưới, cao 3 m, rộng 5 m được ngư dân rải hàng chục kg cá lên rồi phơi tại các bờ rào, bờ kè ngay gần biển. Ở huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, hai bên tỉnh lộ, người dân còn trải tấm lưới xanh dài hàng chục mét, rải đều cá để phơi nắng.
"Nếu nắng to, cá chỉ cần phơi một ngày là đạt yêu cầu. Một kg cá mờm cơm khô giá 150.000 đồng, cứ 10 kg cá tươi sẽ thu về gần 3 kg cá khô", chị Nguyễn Thị Xuân, 33 tuổi, trú xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, nói.
Cuối giờ chiều mỗi ngày, người dân gom các tấm phản tre và lưới đựng cá phơi khô đem về nhà rồi phân loại, sàng lọc cát và đóng gói cá vào túi nylon để đi nhập cho các cửa hàng.
Cá mờm cơm kích thước bằng que diêm, toàn thân màu trắng đục, thịt thơm. Cá tươi được mua về chế biến các món như nấu canh, làm chả, chiên trứng; cá khô thường được chiên giòn, rim mặn ngọt...