Theo Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú - Trần Đình Hậu, hơn tuần trở lại đây, bà con ngư dân thôn Phú Hải và Phú Lợi xúc được rất nhiều ruốc (nhiều nơi gọi là tép moi - PV); bữa ít thì dăm bảy yến, tạ bữa nhiều thì vài tạ thậm chí là cả tấn. Ruốc vừa xúc được thì trên bờ đã có sẵn ô tô của các cơ sở làm ruốc, nước mắm chờ để thu mua.
Có mặt tại bãi biển Kỳ Ninh vào dịp sáng sớm, chúng tôi chứng kiến không khí nhộn nhịp khi trên bờ, các tiểu thương chờ tàu cập bãi để thua mua ruốc; trên mặt biển, các con thuyền vẫn miệt mài xúc thêm những mẻ ruốc trước khi cập bãi.
Được biết, ở Kỳ Ninh, những ngư dân đánh bắt ruốc bằng tàu, trung bình mỗi chuyến đánh được khoảng từ 7 yến đến tạ ruốc, bữa nhiều phải vài tạ; những người đánh bắt thủ công, mỗi buổi sẽ đánh được vài mẻ, từ 1 – 2 yến.
Những mẻ ruốc tươi ngon được bà con ngư dân hối hả đưa lên bờ...
“Có bữa ít nhưng có bữa nó vô đặc ngầu, lâm râm như cơm sôi, mình phải kéo thật nhanh chứ không nó đi là hết” - ngư dân Nguyễn Văn Thành (xã Kỳ Ninh) cho biết.
Theo kinh nghiệm, khi đã đánh được một lượng ruốc kha khá (khoảng chừng một vài tiếng), các thuyền cũng như các ngư dân đánh thủ công sẽ nhanh chóng về lại bãi đổ ruốc, nếu để lâu ruốc không còn tươi.
Ngư dân Văn Tuy, một người đánh bắt ruốc bằng thủ công chia sẻ: “Hôm nay, dù ruốc vào ít nhưng từ sáng tới giờ tôi đánh mỗi mẻ khoảng 6 - 7kg. Mấy ngày trước, cứ mỗi lần vô bờ đổ ruốc cũng phải được 3 - 4 yến cho vợ về phơi".
Được biết, dù giá cả chưa bằng năm trước nhưng hiện nay trung bình ruốc tươi được bà con bán khoảng 10.000đ/kg. Nếu đánh được ruốc to, bà con đem phơi thì bán ruốc khô từ 80.000 – 85.000đ/kg. Với giá cả này, lượng ruốc đánh được đã góp phần không nhỏ vào việc cải thiện đời sống ngư dân.
Ngoài đánh bắt bằng thuyền, bà con ngư dân còn đánh bắt bằng tay, gọi là đi trủ.
Về các vùng ven biển Kỳ Anh mùa này đi đâu cũng nghe ngàn ngạt mùi mắm và ruốc biển. Ruốc, mắm muối cùng với các nguyên liệu như sả, gừng, tỏi, ớt, chanh, khế, rau thơm... được người miền biển khéo làm nên những món ăn dân dã, hấp dẫn như gỏi, hấp, luộc, xào.
Nếu không bán cho thương lái, người dân chở ruốc về để phơi khô hoặc làm mắm. Trong nhà các ngư dân lúc nào cũng có túi ruốc khô thật đầy và la liệt những hũ, vại, chum ruốc, nước mắm chín dậy mùi thơm để làm thức ăn dự trữ. Đó cũng là những món quà quê từ vùng biển cả hào phóng mà người dân gói ghém để biếu khách quý, bạn hiền.