Giữa cái nắng gắt đầu buổi sáng, Âu thuyền – Cảng cá Thọ Quang rộn hẳn lên với không khí làm việc hối hả của cộng đồng ngư dân. Trên cầu cảng, kẻ tập kết cá vận chuyển cho thương lái, người chuẩn bị lương thực thực phẩm, ngư lưới cụ để nối đuôi nhau ra khơi. Dưới bến, cạnh những tàu cập cảng gấp gáp thì nhiều tàu khác lại “đề pa” để lên đường. Là người “chinh chiến” khắp các ngư trường Hoàng Sa, Vịnh Bắc Bộ hàng chục năm nay, ngư dân Trần Văn Mười (P. Mân Thái, Q. Sơn Trà) hào sảng khi nói về cái gọi là “lệnh cấm” của Trung Quốc.
Năm nào đến dịp này anh và cộng đồng ngư dân miền Trung cũng nghe cái điệp khúc đó nhưng chẳng ai quan tâm làm gì. Vì không giống những quy định trong khai thác thủy sản, lại chẳng phải Luật biển quốc tế nên nó không có giá trị. “Từ lâu lắm rồi, chúng tôi chẳng để ý đến cái lệnh cấm coi Biển Đông như ao nhà của Trung Quốc. Anh em ra khơi bình thường, không có lệnh cấm nào hết”, ngư dân có tên trong danh sách “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016” và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cười rắn rỏi.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương (P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà), chủ đội tàu lớn thường đánh bắt tại các ngư trường Hoàng Sa và Vịnh Bắc Bộ cho biết, cả đội tàu của bà vẫn hiên ngang bám biển, các thuyền viên trên tàu cùng một ý chí là không có gì phải sợ lệnh cấm vô lý của Trung Quốc. Để chủ động trước những hành vi gây khó dễ khi đang đánh bắt, các tàu của gia đình bà cũng như cộng đồng ngư dân Đà Nẵng, miền Trung thường khai thác theo mô hình tổ đội. Bà Hương cũng kiến nghị, để ngư dân vững tin bám biển, cơ quan chức năng Việt Nam cần thiết phải có những biện pháp cứng rắn, quyết liệt đồng thời phải thường xuyên có lực lượng trên biển thuộc chủ quyền để phối hợp xử lý, đảm bảo an toàn cho hoạt động đánh bắt. “Mình không thừa nhận lệnh cấm đó nhưng đây luôn là giai đoạn khó khăn trong năm đối với các tàu thuyền đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa và Vịnh Bắc Bộ. Chính vì vậy, ngư dân rất cần sự đồng hành để vững dạ bám biển”, bà Hương kiến nghị.
Hối hả tập kết đá lạnh, phân bố lương thực, nhu yếu phẩm theo từng khu vực trên tàu để thẳng tiến Hoàng Sa, ngư dân Nguyễn Văn Hòa (quê Mộ Đức, Quảng Ngãi) cười hóm hỉnh khi chúng tôi đề cập đến việc Trung Quốc đơn phương cấm biển vô lý. Anh Hòa ví việc này giống như có người hàng xóm đứng bên nhà nói vọng qua là cấm mình trồng rau trong vườn nhà mình. “Nói như nói giỡn! Năm ngoái cũng rứa, trong khoảng thời gian mà họ ra cái “lệnh cấm” vô lý đó, chúng tôi cũng đi về hàng ngày. Chẳng sợ gì vì mình không làm sai, nhưng để an toàn, bạn tàu thường xuyên đi cùng nhau để ứng phó với những hành động gây khó dễ”, anh Hòa kinh nghiệm.
Theo ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng, việc đơn phương áp đặt lệnh cấm biển là vi phạm nhân quyền vì ngăn cản ngư dân Việt Nam làm ăn, sinh sống một cách hợp pháp trên ngư trường truyền thống bao đời nay. Lệnh cấm này không có hiệu lực với cộng đồng ngư dân và họ vẫn tiếp tục vươn khơi bám biển, vừa là công việc hàng ngày để mưu sinh, làm giàu, vừa cùng nhau bảo vệ ngư trường truyền thống của mình. Cũng theo ông Lĩnh, Hội Nghề cá thành phố cũng đã quyết liệt phản đối hành động này, kèm theo đó là khuyến cáo ngư dân duy trì mô hình khai thác theo tổ đội, theo nhóm để hỗ trợ nhau khi có sự cố bất ngờ. Hội cũng đề nghị các lực lượng thực thi pháp luật thường xuyên sát cánh cùng bà con để họ yên tâm vươn khơi làm ăn chính đáng.
Thông tin từ BCH Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng cho hay, trong giai đoạn này, lực lượng thường xuyên hướng dẫn cho ngư dân đánh bắt tại các vùng biển an toàn và liên tục cập nhật tình hình thông qua hệ thống thông tin liên lạc. Bên cạnh lực lượng Bộ đội Biên phòng, Chi đội Kiểm ngư số 3 đóng tại Đà Nẵng cũng thường trực có mặt trên biển, dõi theo và sẵn sàng bảo vệ ngư dân.
Chiều 3-5, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đỗ Tám – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện ngư dân Đà Nẵng và cộng đồng ngư dân miền Trung vẫn thực hiện hoạt động đánh bắt, khai thác bình thường, không hề có ảnh hưởng gì từ lệnh cấm vô lý của Trung Quốc. “Năm nào cũng thế, họ cứ ban hành lệnh cấm còn ngư dân mình thì không mấy quan tâm vì nó không có giá trị pháp lý. Sản lượng đánh bắt thời gian qua vẫn liên tục tăng vì đây đang là mùa khai thác thuận lợi”, ông Tám cho hay.